MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Năm 2024 sẽ cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội

PHẠM ĐÔNG LDO | 14/12/2023 15:11

Tiếp tục phiên họp thứ 28, chiều 14.12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo dự thảo nghị quyết, trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức 12 phiên họp thường kỳ (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 2 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 4 và tháng 8).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định 115 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác (chưa bao gồm các nội dung dự phòng xem xét trong trường hợp được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

Trong đó, phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 (tháng 6 và tháng 11) được xác định là phiên họp thường kỳ hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật Tổ chức Quốc hội: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên”.

Các phiên họp tháng 4, tháng 8 bố trí theo hướng tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật vào đầu tháng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm thời gian cho các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, kịp trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan.

Đồng thời, tổ chức phiên họp thường kỳ vào nửa cuối của tháng và sắp xếp, bố trí thời gian tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào cuối tháng.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Trên cơ sở thực tiễn triển khai chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện cho ý kiến bằng văn bản đối với các báo cáo.

Các báo cáo gồm: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2023; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2023.

Ngoài ra, còn có báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch, thời kỳ 2021-2030.

Các báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3 về một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13; Báo cáo hoạt động của HĐND cấp tỉnh.

Ngoài các nội dung nêu trên, ngày 13.12, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục nhận được 2 văn bản của Văn phòng Chính phủ, trong đó, đề xuất thêm một số nội dung mới vào Chương trình công tác như:

Thứ nhất, báo cáo về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông (phiên họp tháng 1.2024).

Thứ hai, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) (phiên họp tháng 9.2024).

Thứ ba, dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ tư, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thứ năm, chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ sáu, quy hoạch không gian biển quốc gia.

Thứ bảy, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 (phiên họp tháng 3.2024).

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường cho biết, do các văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi sát phiên họp nên chưa kịp tổng hợp trong các tài liệu về chương trình công tác để xin ý kiến các cơ quan.

"Tại cuộc họp hôm nay, đề nghị đại diện Chính phủ báo cáo thêm về các đề xuất này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thảo luận, cho ý kiến", Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn