MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hậu Giang đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp khá ở vùng ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: Tạ Quang

Năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp khá ở ĐBSCL

NGỌC ANH LDO | 12/12/2023 12:34

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL.

Sáng 12.12, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cùng hơn 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Anh

Phát biểu tại hội nghị công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao sự thay đổi trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hạ tầng giao thông của tỉnh Hậu Giang. Trong đó, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước. Thu ngân sách năm 2023 là 6.800 tỉ. Đặc biệt, Hậu Giang có 2 tuyến đường cao tốc đi ngang địa bàn là Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Phó Thủ tướng Chính phủ tin rằng với các dự án trọng điểm này sẽ tạo cơ hội cho tỉnh Hậu Giang nói riêng, các tỉnh ĐBSCL “cất cánh” trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Hậu Giang cần xây dựng một kế hoạch cụ thể trong thực hiện quy hoạch; cần thông tin tuyên truyền về công tác quy hoạch của tỉnh đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL kết nối với TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

"Hậu Giang cần biến tiềm lực thành nguồn lực, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên", Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết, để thực hiện tốt quy hoạch, tỉnh sẽ bám sát chặt chẽ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đồng thời phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường phải là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến.

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án ngành, nghề trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Tỉnh Hậu Giang trao biên bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư. Ảnh: Phương Anh

Tại Hội nghị này, tỉnh Hậu Giang cũng đã trao 12 giấy chứng nhận đầu tư trị giá 19.000 tỉ đồng; ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.000 tỉ đồng và 2 biên bản ghi nhớ hợp tác với chủ đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn