MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: Phạm Đông

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người

PHẠM ĐÔNG LDO | 01/04/2024 15:55

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người.

Tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người

Ngày 1.4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Tham dự phiên họp, về phía Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại diện các bộ, ngành cùng một số cơ quan hữu quan.

Trình bày tờ trình về dự án luật, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29.3.2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2012.

Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thi hành đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế.

Việc sửa luật cũng giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay và trong thời gian tới.

Bộ trưởng Công an nêu rõ, mục đích xây dựng luật là nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự án luật được xây dựng trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, bám sát các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được cấp có thẩm quyền thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Đông

Đề xuất công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Trình bày tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhấn mạnh việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về công chứng viên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định: người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo), cụ thể là phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng đối với những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành.

Dự thảo luật cũng quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ, gồm: đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khỏe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn