MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh PV

Nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế khi thực hiện gói tài khoá, tiền tệ

Vương Trần LDO | 04/01/2022 18:18
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  cho rằng, trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số, sử dụng công nghệ với tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể.

Khẩn trương hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng

Chiều 4.1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc phấn đấu quyết liệt để phục hồi, tăng trưởng, hỗ trợ phát triển rất quan trọng. Chính vì thế, có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này.

Chủ tịch nước đánh giá cao tờ trình của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tờ trình không chỉ đề ra mục tiêu, giải pháp mà phương án huy động nguồn lực thực hiện hỗ trợ.

Nêu dẫn chứng nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát. “Không cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ tăng trưởng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Nhận định “cầu” của nền kinh tế còn yếu, Chủ tịch nước cho rằng cần tăng tổng “cầu”, nhất là tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ như người nghèo, công nhân. Chủ tịch nước cho rằng, việc về hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này cần thiết nhưng nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát. 

Chủ tịch nước cũng cho rằng việc hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện rất nhiều. Đồng thời cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ với tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể.

Chủ tịch nước cũng đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế.

“Cần có một hệ thống giải pháp chứ không phải chỉ tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ” - Chủ tịch nước lưu ý.

Tạo động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong thời điểm này khi Chính phủ dành một phần lớn ngân sách hỗ trợ phục hồi với chuyện kinh tế, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết và quan trọng. Bởi vì đây là chính sách sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn dài tiếp theo.

Đại biểu kiến nghị, về chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua hỗ trợ về lãi suất cho các ngân hàng thương mại cần phải tiến hành rà soát để xác định chính xác mức độ cần thiết ở mức độ cần hỗ trợ của các doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp, hiệu quả.

Một vấn đề nữa là về hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đại biểu cho rằng tờ trình của Chính phủ cũng có đề nghị là sẽ hỗ trợ về tiền thuê nhà cho người lao động. Khoản tiền này rất cần thiết, sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân để tháo gỡ những khó khăn trước mắt và một phần sẽ kích cầu khuyến khích cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc về tính hiệu quả, bởi vì khoản tiền hỗ trợ của nhà nước nếu mà đặt trong tổng số cần hỗ trợ thì rất lớn. Thế nhưng mà khi phân chia cho người dân thì mỗi người được hưởng một khoản cũng rất khiêm tốn.

Do đó, đại biểu đề nghị dành một khoản xứng đáng để đầu tư để giải quyết việc làm cho người lao động thì sẽ có tác động và lâu dài hơn về hiệu quả lớn hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh PV

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng kinh tế Việt Nam như cơ thể chuẩn bị hết bệnh cần thuốc phục hồi. Sức khỏe doanh nghiệp người dân kiệt quệ sau đại dịch, do đó gói phục hồi kinh nếu được ban hành sớm thì phục vụ cho quá trình khôi phục nền kinh tế.

Theo ông Cường, Chính phủ đề xuất gói này bao gồm chính sách tài khoá và tiền tệ. Trong đó, hỗ trợ tài khoá gồm kích cầu và cả kích cung với quy mô 290.000 tỉ đồng như giảm phí, lệ phí 64.000 tỉ đồng.

Ông Cường cho rằng, sau khi doanh nghiệp được giảm các loại phí, lệ phí giúp giảm chi phí sản xuất có điều kiện phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, gói chính sách cũng được thiết kế chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 176.000 tỉ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn