MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TG&VN

Nâng cao vai trò của Việt Nam trong đóng góp vào những vấn đề toàn cầu

HÀ LIÊN (ghi) LDO | 15/01/2020 14:37
Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 14.1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định, bên cạnh những thách thức, việc Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là cơ hội của Việt Nam, thể hiện vai trò trách nhiệm và vấn đề Việt Nam có thể đóng góp được.

Thưa Phó Thủ tướng, xin Phó Thủ tướng cho biết những dấu ấn đối ngoại nổi bật mà Việt Nam đạt được trong năm 2019 là gì?

Năm 2019, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước hết sức thành công, tích cực. Việt Nam tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là phát triển ổn định với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng.

Không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện mà Việt Nam còn mở rộng thêm 2 nước đối tác chiến lược và toàn diện, nâng tổng số đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam lên 30 nước.

Điểm thứ hai là Việt Nam nâng tầm quan hệ đa phương. Điều này thể hiện rất rõ nét khi ngay đầu năm 2019, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Sự kiện cho thấy Việt Nam đã vượt ra khỏi những vấn đề liên quan trực tiếp tới lợi ích để đóng góp vào cái chung, đem lại hòa bình ổn định cho bán đảo Triều Tiên cũng như thể hiện sự chủ động tích cực, đứng ra đóng vai trò hòa giải, dẫn dắt của Việt Nam.

Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc - 192/193 phiếu cũng là sự đánh giá với vai trò vị thế, khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, vừa đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam sẽ có những khó khăn, thuận lợi gì?

Nếu không đảm nhận những vai trò này, chắc chắn chúng ta sẽ “nhàn” hơn rất nhiều, nhưng đây là chủ trương của Việt Nam. Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là vinh dự, trách nhiệm cũng như nâng cao vai trò của Việt Nam trong đóng góp vào những vấn đề toàn cầu.

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam là thành viên Hội đồng Bảo an khi từng đảm nhận vai trò này năm 2008-2009. Tuy nhiên, lần này Việt Nam tham gia vào thời điểm hết sức khó khăn: Tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, tình hình trong Liên Hợp Quốc, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an với những vấn đề về lợi ích, về sự khác biệt trong nội bộ Hội đồng Bảo an rất lớn.

Nhưng đó cũng là cơ hội của Việt Nam, thể hiện vai trò trách nhiệm và vấn đề Việt Nam có thể đóng góp được. Ngay năm đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch vào tháng 1.2020. Chỉ vài ngày đầu đảm nhận vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã được đánh giá cao.

Mới đây, khi tôi chủ trì phiên họp mở của Hội đồng Bảo an, điều rất đáng mừng và cũng không ít ngạc nhiên là chủ đề Việt Nam đề xuất được các nước tham dự với số lượng cao kỷ lục - 110 nước. Điều đó thể hiện chủ đề Việt Nam đề xuất rất phù hợp, đúng thời điểm, đáp ứng được suy nghĩ chung và nhận được sự quan tâm của các nước. Vạn sự khởi đầu nan, mong rằng khi tham gia vào Hội đồng Bảo an, Việt Nam tiếp tục có đóng góp tích cực.

May mắn khi vừa đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1.2020 vừa bắt đầu năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức thông tin về ASEAN với Hội đồng Bảo an. Đây là lần đầu tiên có cuộc thông tin để tăng cường quan hệ ASEAN với Hội đồng Bảo an nói riêng và Liên Hợp Quốc nói chung.

Đại sứ Đặng Đình Quý tại các phiên họp mở ngày 13.1.2020. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Thời gian qua, Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đóng góp như thế nào để duy trì hòa bình, thưa Phó Thủ tướng?

Biển Đông là mối quan tâm chung của tất cả các nước bởi đây là đường biển hết sức quan trọng về thông thương hàng hóa liên quan tới tất cả các nước, không chỉ các nước trong khu vực. Với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng và chúng ta phải đảm bảo bảo vệ chủ quyền trên biển.

Vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nêu cao tăng cường chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế. Với vấn đề Biển Đông cũng vậy, nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ đảm bảo được. Nhưng nếu có các hoạt động vi phạm chủ quyền, các nước, nhất là các nước ASEAN sẽ có lập trường chung là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Các nước ASEAN cũng đang trong quá trình xây dựng bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc như vậy.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn