MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Nâng lương cán bộ y tế, nhà giáo từ nguồn ngân sách hay nguồn thu tự chủ?

Nhóm phóng viên LDO | 23/05/2024 17:45

Đại biểu Quốc hội phản ánh, nhiều cử tri lo lắng nếu nâng lương cho cán bộ y tế và nhà giáo được lấy từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị công lập thì sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp công lập, cho người bệnh và người học.

Chiều 23.5, thảo luận tại hội trường giải đáp các kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho biết, thời gian qua, qua tiếp xúc cử tri đã nhận được rất nhiều ý kiến của các cử tri, trong đó có ý kiến cử tri ngành Giáo dục.

Theo ĐBQH, khi triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương cho ngành Giáo dục tới đây, cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

ĐBQH cho biết, kể từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII năm 2018 về cải cách tiền lương, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh cho hay, trên một số báo mạng có đưa thông tin về bảng dự thảo trình Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới, việc phân cấp nhóm bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo.

“Sau khi tính toán, nhiều ý kiến cử tri ngành Giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với công việc của nhà giáo, thậm chí còn thấp hơn lương hiện nay của nhà giáo. Cùng một hạng viên chức, nhưng lương người làm việc lâu năm với người mới làm được tính giống nhau, như vậy sẽ không tạo ra được động lực cống hiến cho các nhà giáo” - đại biểu Dương Minh Ánh phản ánh.

Cũng theo đại biểu Ánh, có ý kiến cử tri lo ngại, khi tăng lương cho các đối tượng trong ngành Y tế và Giáo dục, các chi phí trong các lĩnh vực này sẽ tăng cao.

“Như vậy, so với quan điểm theo Nghị quyết 27, tiền lương là nguồn thu nhập chính đảm bảo đời sống cho người lao động liệu có thực sự khả thi?” - đại biểu Ánh đặt câu hỏi.

Đại biểu Ánh thông tin, cử tri nắm được việc nâng lương cho y tế và nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị tự chủ công lập? Nếu lấy từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị công lập thì sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp, gánh nặng cho người bệnh và người học khi tính đúng, tính đủ các chi phí bao gồm chi phí tăng lương vào chi phí khám bệnh và học phí của người bệnh.

Vị nữ ĐBQH bày tỏ lo ngại điều này sẽ dẫn đến người bệnh khi không đóng bảo hiểm y tế không dám đến bệnh viện; người học không đủ tiền để đóng học phí.

“Vì vậy, cử tri kiến nghị trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được rõ ràng, chính xác quan điểm; thấy được việc cải cách tiền lương là đúng đắn, tránh hoang mang cho đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, cần tính toán kỹ khi giải quyết bài toán tăng lương và bài toán giao tự chủ cho các đơn vị tự chủ công lập, làm sao chính sách đi vào cuộc sống và tạo sự đồng thuận trong xã hội” - đại biểu Dương Minh Ánh nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn