MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ Công tác số 1 chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên

Nêu cao vai trò người đứng đầu, siết chặt kỷ cương giải ngân đầu tư công

Vương Trần LDO | 08/12/2022 18:55
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các đơn vị trong Tổ công tác số 1 cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nêu cao vai trò người đứng đầu, lãnh đạo tất cả các cấp, bộ, ngành, địa phương.

Chiều nay (8.12), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 chủ trì cuộc họp về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công của 8 bộ, cơ quan Trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1. Cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.  

Báo cáo về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc Tổ công tác số 1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ, cơ quan Trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là hơn 19.750 tỉ đồng.

Tỷ lệ giải ngân vốn ước 11 tháng của năm 2022 của 10 đơn vị thuộc Tổ Công tác số 1. Đồ hoạ: Trần Vương (Nguồn:  Báo cáo của Bộ Tài chính)

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn ước 11 tháng của năm 2022 của 10 đơn vị thuộc Tổ Công tác số 1 còn thấp. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ: 52,01%; Tòa án nhân dân tối cao: 47,85%; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: 29,98%; Bộ Công an: 25,59%; Bộ Ngoại giao: 18,16%; Bộ Tư pháp: 30,06%; Bộ Nội vụ: 50,78%; Ủy ban Dân tộc: 2,41%; tỉnh Quảng Bình: 54,98%; Quảng Trị: 45,71%.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công có tiến triển theo hướng tăng dần, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra còn chậm, thấp; một số đơn vị ở dưới mức 50%.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ Công tác số 1 chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, có nguyên nhân khách quan. Song, nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, phải kể đến những yếu kém từ năng lực lập quy hoạch, đề xuất xin dự án, đề nghị mức đầu tư, tới năng lực chủ đầu tư thấp, yếu, không đủ chuyên môn, năng lực nhà thầu cũng hạn chế.

Bên cạnh đó là một số nguyên nhân khác như: Vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác vật liệu xây dựng…

Cơ bản nhất trí với báo cáo và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu, các đơn vị trong Tổ công tác số 1 cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nêu cao vai trò người đứng đầu, lãnh đạo tất cả các cấp, bộ, ngành, địa phương; đồng thời, rà soát thường xuyên công tác này trên tất cả các đơn vị.

"Bộ nào có mức giải ngân tăng nhanh là do sự quyết liệt của người đứng đầu lãnh đạo đôn đốc, họp thường xuyên hàng tháng, rà soát, thúc đẩy vấn đề này, bởi đây là yêu cầu cấp bách hiện nay", Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án, tránh tình trạng xin dự án trước, sau đó mới triển khai công tác chuẩn bị, thể hiện rất rõ ở các dự án sử dụng vốn vay ODA.

Về các biện pháp tháo gỡ, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, các tổ công tác đã làm việc và từng bước tháo gỡ các vướng mắc về thể chế đối với phân cấp, phân quyền trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công, điển hình là việc sửa đổi một số nghị định liên quan của Chính phủ.

Về ý kiến đề xuất kéo dài nguồn vốn được phân bổ trong năm 2022 chưa thực hiện được sang năm 2023, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp nội dung này và báo cáo lại. Nếu đây là ý kiến chung của các đơn vị, cần đề xuất hướng giải quyết phù hợp như ra nghị quyết Chính phủ đối với vấn đề này.

Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt yêu cầu, từ nay đến cuối năm, vấn đề thanh, quyết toán khối lượng công việc đã hoàn thành ở các dự án đầu tư công cần được chú trọng ở mức cao nhất để nâng tối đa tỷ lệ giải ngân trong năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn