MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (Ảnh: QH)

"Nếu đấu thầu lần 1 không xong sẽ đấu thầu lần 2,3 để chọn nhà đầu tư"

Xuân Hải - Đức Thành LDO | 14/11/2017 19:05

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói như vậy khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, chiều 14.11.

Theo Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa), 8 dự án được triển khai theo hình thức BOT, còn 3 dự án theo hình thức đầu tư công. Hiện ngân sách đang khó khăn nên hình thức BOT là phù hợp giảm nợ công. Tuy nhiên thời gian qua có nhiều bất cập trong triển khai thực hiện các dự án theo hình thức BOT cho nên Chính phủ cần đấu thầu rộng rãi, không chỉ định thầu, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư dự án, thời gian thu phí và trạm thu phí, thu phí kín và thu theo chiều dài đi để đảm bảo sự minh bạch.

Ông Hưng dẫn chứng thời gian qua có tình trạng chủ đầu tư đi vay ngân hàng để xây dựng BOT và thu phí, hưởng ưu đãi trong vay vốn là “lãi đơn lãi kép” vì vậy cần hạn chế tình trạng trên phải chọn nhà đầu tư có năng lực. Công khai minh bạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực giảm tỷ lệ huy động vốn từ các tổ chức tín dụng.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể hứa ngay sau khi Quốc hội thông qua về chủ trương này sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện dự án một cách tốt nhất khi dự án thông qua. Do kinh phí có hạn nên đã chọn những đoạn quá tải cần triển khai ngay, phân kỳ đầu tư căn cứ vào lưu lượng.

“Việc thực hiện các dự án BOT trong thời gian qua có các khiếm khuyết, chúng tôi đã nhìn thấy và 8 dự án BOT tới sẽ khắc phục bằng hình thức đấu thầu toàn bộ. Nếu đấu thầu lần 1 không xong sẽ đấu thầu lần 2,3 để chọn nhà đầu tư, khắc phục tình trạng trước kia chỉ có 1 nhà đầu tư, hay đấu thầu không thành công sẽ chỉ định thầu. Ngoài ra sẽ thu phí kín, đi bao nhiêu km sẽ trả bấy nhiêu tiền để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch", ông Thể nói.

Ông Thể nhấn mạnh, kiểm soát “đầu vào” là kiểm tra triển khai xây dựng dự án bao nhiêu tiền?, còn “đầu ra” là kiểm soát việc đi bao nhiêu km thì thu bấy nhiêu tiền. Đồng thời, ngoài việc tổ chức đấu thầu công khai, chúng tôi còn yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ít nhất là 15%, có những dự án là 20%. Việc nâng yêu cầu vốn chủ sở hữu như vậy là để chọn lựa nhà đầu tư thực sự có năng lực về tài chính để cùng với ngân hàng thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 3.11, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tổng mức đầu tư dự án dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.716 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn