MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: T.L

Nêu gương là tiêu chí quan trọng để đánh giá người đứng đầu

Tuệ Linh LDO | 14/06/2021 07:14
Theo các nhà nghiên cứu lý luận, việc mỗi cán bộ, đảng viên đề cao và phát huy tốt vai trò nêu gương trước quần chúng, trước hết là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống là một ưu thế sức mạnh to lớn của Đảng. Chính vì thế, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức.

Gương mẫu của người đứng đầu là “mệnh lệnh không lời” để cấp dưới noi theo

Ngày 12.6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo.

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thị Báo - Giảng viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết, khẳng định này của Tổng Bí thư xuất phát từ thực tiễn sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm nêu gương đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Về những giải pháp để những người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn thì càng phải gương mẫu thì cần chú trọng xây dựng, lựa chọn, quy hoạch, bố trí nguồn để bầu, bổ nhiệm người giữ chức vụ, nhất là chức vụ đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức phải có trình độ, năng lực giỏi, thật sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị và đạo đức, lối sống ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Bởi sự gương mẫu của người đứng đầu là mệnh lệnh không lời thuyết phục cấp dưới noi theo. Hoàn thiện các chế tài bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm khắc để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đảm bảo gương luôn trong sáng.

Coi trọng việc quản lý người đứng đầu không chỉ về trình độ, năng lực chuyên môn, mà còn về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngăn chặn nguy cơ thoái hóa, biến chất - trở thành gương mờ. Xác định nêu gương là một tiêu chí để đánh giá người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức trong nêu gương, phải làm gương trong công việc, là tấm gương sáng cho nhân viên noi theo.

Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Thị Báo cũng cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Vì chỉ có kết hợp đúng đắn nêu gương tự phê bình và phê bình trong Đảng với sự giám sát của nhân dân thì việc xây dựng Đảng về đạo đức của mới có hiệu quả; xử lý nghiêm vi phạm không có vùng cấm. Tăng cường kiểm tra, giám sát của Đảng đảm bảo vai trò nêu gương trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái, lợi ích nhóm, quan liêu tham nhũng nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ; tiếp tục luật hóa trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức.

Xây dựng các giá trị và chuẩn mực đạo đức

Theo PGS-TS Phạm Đức Huy - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - việc quán triệt và vận dụng sáng tạo hệ giá trị Hồ Chí Minh, đặc biệt là hệ giá trị đạo đức Hồ Chí Minh vào xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách hiện nay. Các chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, trước hết là sự kiên trì và trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có khát vọng cao cả, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chấp hành nghiêm minh Điều lệ và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Nâng cao trách nhiệm đạo đức trong thực hành công vụ theo Đề án Công vụ mà Chính phủ đã ban hành năm 2018. Thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Giữ gìn phẩm chất đạo đức của cá nhân và gia đình. Chú trọng xây dựng các giá trị và chuẩn mực đạo đức của gia đình gương mẫu, hạnh phúc. Trung thực, gần gũi, gắn bó với nhân dân, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong phê bình và tự phê bình để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.

Có tác phong giản dị, gắn bó với quần chúng nhân dân, chống các bệnh quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng. Chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện nhất quán lời nói đi đôi với việc làm, thực hành nêu gương trong cơ quan, tổ chức và trong các quan hệ xã hội.

Cũng theo PGS-TS Phạm Đức Huy, vấn đề xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo giá trị đạo đức Hồ Chí Minh cần được thể chế hóa và cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng lĩnh vực, tránh việc sao chép, rập khuôn, xa rời thực tiễn. Các cấp ủy và chính quyền các ngành, các cấp cần vận dụng sáng tạo hệ giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn