MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng). Ảnh Quốc hội

Nếu phân bón chịu thuế VAT 5%, nông dân phải bỏ ra 6.000 tỉ đồng

Nhóm phóng viên LDO | 24/06/2024 18:48

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với mặt hàng phân bón thay vì 0% như hiện nay, nông dân sẽ phải bỏ ra khoảng 6.000 tỉ đồng.

Chiều 24.6, phiên họp thứ 7 Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đề xuất đưa mặt hàng phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… vào đối tượng chịu thuế VAT 5% được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đóng góp ý kiến.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế VAT theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế VAT 0%.

“Nếu áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỉ đồng; nếu dự thảo luật áp dụng 0% đối với mặt hàng này, thì khoảng 2.000 tỉ đồng, thay vì bổ sung vào ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân. Như vậy, nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào” - theo đại biểu Tô Ái Vang.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Nếu đưa phân bón chịu thuế VAT 5% là tăng áp lực cho nông dân trong bối cảnh ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.

“Hiện nông dân chiếm 62% dân cư nhưng đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 14% ngân sách nhà nước là chưa thỏa đáng” - đại biểu cho biết.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên nhiều nước đều thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Có không ít các nước như Mỹ, Thái Lan, Lào, Myanmar… vẫn không thu thuế VAT, thuế bán hàng với phân bón.

“Báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá, nếu tăng thuế VAT thì riêng mặt hàng phân bón tăng 6.200 tỉ đồng, chưa nói tới các mặt hàng máy móc, thiết bị nông nghiệp. Nguồn thu này phải chăng là nguồn thu từ nông nghiệp và nông dân?” - đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, tăng thuế VAT tức là tăng giá của phân bón và các loại vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và tăng chi phí của nông dân.

“Nông nghiệp, nông dân Việt Nam đa số là sản xuất nhỏ lẻ; bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung luôn phải phập phồng trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nay tiếp tục oằn mình với nỗi lo thua lỗ nếu giá phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng cao” - đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn ĐBQH TP HCM) cũng bày tỏ băn khoăn nếu áp thuế VAT 5% đối với những mặt hàng như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân.

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đưa mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5% để đảm bảo không mất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu; đồng thời, khi hoàn thuế thì sẽ tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, phát triển một cách bền vững. Bộ trưởng cũng cho rằng, giá cả tăng không hẳn là từ thuế mà còn bị tác động bởi cung - cầu.

Bộ trưởng cho biết, theo đánh giá tác động, nếu áp thuế VAT 5% đối với phân bón, mỗi hộ nông dân một năm trả thêm 461.000 đồng; một tháng là 38.000 đồng.

Bộ trưởng tiếp thu ý kiến các đại biểu và sẽ đánh giá tác động một lần nữa về đề xuất này và trình Quốc hội vào cuối năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn