MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi trường mang tên người chí sĩ phong trào Cần Vương Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn-Quảng Nam) trước nguy cơ bị xóa sổ. Ảnh NDH school

Ngậm ngùi cho ngôi trường sáu mươi năm tuổi

Cẩm Chướng LDO | 13/08/2017 13:00
Các thế hệ thầy – trò, phụ huynh học sinh của Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sáu mươi năm qua, đều yêu dấu và tự hào về ngôi trường mang tên người anh hùng chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, thủ lĩnh yêu nước của phong trào Cần Vương, xứ Quảng, miền Trung. Tuy vậy, ngôi trường đang đứng trước nguy cơ xóa sổ để nhường chỗ cho công trình chỉnh trang của địa phương.

Ngôi trường lịch sử

Sáu mươi năm qua, ngôi trường đổ bóng xuống dòng sông thi ca nhạc họa Vĩnh Điện từng là nơi bồi đắp tri thức, sản sinh nên nhiều nhân tài, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ cao cấp, các giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, doanh nhân... nổi tiếng trong và ngoài nước. Sáu mươi năm qua, hương thời gian của tình thầy nghĩa trò vẫn mãi thơm thảo, hòa quyện và bay xa không chỉ trong nước và cả xứ người. Là người con quê hương đất học Điện Bàn, cựu học sinh, cựu giáo viên của trường, tôi và bao thầy cô, bạn bè xưa nay đều biết ơn ngôi trường, các thầy cô đã rèn luyện dạy dỗ mình nên người; ai cũng có những kỷ niệm sâu sắc gắn bó với ngôi trường ở vị trí trung tâm của thị trấn Vĩnh Điện có quốc lộ cũ chạy qua, có cây cầu soi bóng tà áo dài trắng, những mái tóc dài của nữ sinh mưa nắng đi về.

Ngôi trường là chứng nhân lịch sử bao cuộc đổi thay của quê hương Điện Bàn từ trong khói lửa chiến tranh đến ngày hòa bình lặp lại. Các thầy hiệu trưởng Hồ Đài, Lê Bá Cử, Hà Tiến Quỳnh, Nguyễn Trí Viễn, Phạm Tấn Sáu tiếp nối nhau phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học, tôn sư trọng đạo, dạy giỏi, học giỏi để xây đắp nên ngôi trường có bề dày tuyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục hôm nay.

Mới đây, một buổi gặp gỡ thân mật cựu giáo viên học sinh của Ban liên lạc cựu học sinh trung học Nguyễn Duy Hiệu đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tự hào, nghẹn ngào, cảm động và hạnh phúc vì nghĩa cử dâng hương tượng đài Nguyễn Duy Hiệu, thăm các thầy cô, tặng nhiều sổ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi…tình nghĩa thầy – bạn cũ, trường xưa vẫn nồng nàn, ấm áp, vẫn tươi mát tràn đầy như câu ca một thuở của thầy Hiệu trưởng Lê Bá Cử năm nào:

Đất Điện Bàn vừa xanh vừa mát

Tình nghĩa thầy trò dào dạt tình thương

Dù đi chín hướng mười phương

Lòng ta vẫn thấy nhớ thương Điện Bàn.

 

Có nên xóa sổ ngôi trường?

Nói là trường gần quốc lộ ảnh hưởng giao thông thì cũng không phải, vì quốc lộ đã chuyển ra đường tránh thênh thang, đẹp đẽ hơn, nay là đường nội thị của thị trấn. Nói là cần đầu tư mở rộng nâng cấp ngôi trường ở vị trí mới, mở rộng khuôn viên và các nhà hoạt động chức năng thì đất ở ngôi trường cũ còn rộng rãi ở phía sau gần bờ sông. Nói là để đáp ứng nhu cầu giáo dục thì trường hiện đang thừa phòng học đã xây dựng kiên cố, khu giáo dục thể chất có thể mở rộng khuôn viên phía sau để xây dựng.

Thâm tâm tôi và nhiều người luôn ủng hộ sự đổi thay và phát triển bền vững của Điện Bàn. Đổi mới, đi lên thì lòng vui tưng bừng khấp khởi chứ! Nhưng sao lòng cứ “bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa”. Đổi thay phát triển nhưng cần chú trọng tính bền vững, tính hợp tình hợp lý của nó. Lãnh đạo, chính quyền các cấp đã lấy ý kiến của dân chưa, của thầy trò và phụ huynh học sinh chưa? Dân Quảng Nam, Đất Quảng Nam có truyền thống có tính tranh luận, phản biện cao để tìm ra chân lý, ủng hộ cái mới và bảo tồn lưu giữ cái đẹp mà. Nên chăng có một “Hội Nghi Diên Hồng” nhỏ, tranh thủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các thế hệ thầy trò trung học Nguyễn Duy Hiệu, đặc biệt là nghe ý kiến của các nhà kiến trúc, đô thị, các nhà nghiên cứu lịch sử, truyền thống văn hóa, các nhân sĩ trí thức Điện Bàn, xứ Quảng.

Nhiều thầy, cô giáo cũ cho biết: Trường Nguyễn Duy Hiệu thành lập từ năm 1958 ở vị trí đắc địa do chính quyền thời ấy đứng ra đôn đốc các gia đình có con thoát ly tham gia cách mạng đóng góp các ngày công lao động, cọc tre, vật liệu…để xây dựng nên từ ao đầm lầy. Sau năm 1975, Nhà nước chưa có chủ trương giải tỏa đền bù nhưng nhà trường đứng ra vận động các hộ dân, huy động học sinh toàn trường lao động, đắp đất nền mới để di dời các hộ dân phía Đông sang phía Bắc trường, mở rộng trường đến bờ sông. Mặc dù kinh phí ngành giáo dục khó khăn nhưng mỗi thời kỳ tỉnh, sở giáo dục đều ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng, kiên cố hóa cơ sở vật chất nhà trường. Phụ huynh và cựu học sinh góp kinh phí xây dựng tượng đài Nguyễn Duy Hiệu.Trao đổi với chúng tôi, các thầy, cô đề xuất cần thiết phải giữ nguyên vị trí hiện nay (có thể có nhiều phương án để tôn tạo thành một ngôi trường đẹp, đầy đủ chức năng), góp phần củng cố bề dày truyền thống của nhà trường.

Nhà báo Lê Đức Hùng, cựu học sinh của trường những năm 1960, nguyên phụ trách văn phòng đại diện báo Thanh niên tại Đà Nẵng bức xúc: "Ngôi trường ở vị trí quá đắc địa, sát bờ sông đẹp và thơ mộng. Việc giải tỏa ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu có ý kiến xầm xì đồn đãi là lợi ích nhóm của một số vị xây dựng ở đó. Nếu vì lợi ích chung, vì sự phát triển Điện bàn, thì tôi tán đồng 2 tay, còn có gì không rõ ràng trong sáng thì buộc tôi và anh em đồng nghiệp phải phản ảnh trên báo”.

Một cựu học sinh, cựu giáo viên, là Chủ tịch hội đồng thơ, hiện công tác ở ngành giáo dục Đà Nẵng bộc bạch: “Tôi một đời làm nhà giáo lúc nào cũng tuân thủ và chấp hành mọi chủ trương lớn của nhà nước và của ngành nhưng khi nghe tin này, tôi và nhiều đồng nghiệp buồn quá. Tôi được biết thầy Hiệu trưởng của trường đã từng có công văn thay mặt Hội đồng sư phạm kiến nghị lên trên giữ lại ngôi trường ở địa điểm lịch sử này, chuyện tưởng yên nay lại bắt phải di dời đi nơi khác. Phố chợ trước cổng trường và vị trí ngôi trường cách nhau khá xa, không thể biện minh ảnh hưởng đến giao thông, đến phát triển thị xã để lấy ngôi trường làm dự án khác. Phía sau ngôi trường sát bờ sông còn rộng bát ngát, tha hồ mà nâng cấp phát triển. Ngôi trường hiện đại rất dễ khi ta có tiền để xây dựng nhưng truyền thống văn hóa và lịch sử thì không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn