MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngân hàng duy nhất cho 6,8 triệu hộ gia đình vay, thành viên là Bộ trưởng

Anh Tuấn LDO | 02/07/2024 13:51

Theo PGS.TS Lê Thị Thanh Tâm - Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng duy nhất có gần như tất cả các thành viên hội đồng quản trị đều giữ vị trí bộ trưởng, thứ trưởng, không có quốc gia nào có mô hình này.

Sáng 2.7, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.

Hội thảo phục vụ xây dựng đề án tổng kết chỉ thị 40 năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.

Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo

Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Tuy nhiên bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện (như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với đó là những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…) và đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế Việt Nam.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn. Ảnh: Nguyễn Trung

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay, tất cả những điều này đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội, do đó cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội. Bởi, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.

“Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40,” ông Sơn chia sẻ.

PGS.TS Lê Thị Thanh Tâm - Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội có mạng lưới rộng khắp, các chương trình cho vay được mở rộng tới nhiều đối tượng chính sách. Sự phát triển của Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp tăng mức độ tiếp cận tín dụng chung của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa.

Theo TS Lê Thị Thanh Tâm, Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho vay trên 6,8 triệu hộ gia đình (1/3 dân số Việt Nam) với dư nợ xấp xỉ 332 triệu tỉ (tương đương hơn 13 tỉ USD, tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản cho vay trong thị trường tài chính vi mô Việt Nam. Điểm nổi bật, tỉ lệ nợ xấu thấp dưới 1%. Nhờ vậy, tình trạng “tín dụng đen” tại các vùng sâu vùng xa đã giảm dần.

"Có thể nói mức độ bao phủ của ngân hàng này đứng số 1 thế giới, không một ngân hàng ở quốc gia nào có được", bà Tâm nêu, đồng thời cho biết, đây là ngân hàng duy nhất có gần như tất cả các thành viên hội đồng quản trị đều giữ vị trí bộ trưởng, thứ trưởng. Không có quốc gia nào có mô hình này.

PGS.TS Lê Thanh Tâm - Ảnh: Nguyễn Chung

Ngân hàng phục vụ người nghèo thì hằng năm in lịch nhưng không ai treo

Nêu ý kiến tại đây, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng nhắc lại quá trình ra đời của ngân hàng.

Riêng về tên ngân hàng, ông cho hay đã có "tranh cãi". Trong đó, có người nói để tên Ngân hàng Phục vụ người nghèo vì tên đã đi vào cuộc sống nhiều năm. Có người nói tên Ngân hàng Nhân dân, có người nói Ngân hàng Chính sách.

"Nhưng chốt lại là Ngân hàng Chính sách. Trong đó, một là chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển. Còn với tên Ngân hàng phục vụ người nghèo đi vào cuộc sống 7 năm nhưng tên đó cũng chưa được đón nhận.

Bởi Ngân hàng phục vụ người nghèo thì hằng năm in lịch nhưng không ai treo. Có trưởng ban mặc áo phông đi vào hiệu thuốc đi ra phải đốt vía vì đằng sau có chữ Ngân hàng phục vụ người nghèo...", ông Thắng nêu và cho hay, ngân hàng chính thức đi vào hoạt động ngày 11.3.2003.

Ông Thắng nhấn mạnh mô hình tín dụng chính sách xã hội là mô hình chỉ có tại Việt Nam và khi thành lập ngân hàng nhiều tổ chức quốc tế cũng băn khoăn.

Vì nguyên tắc thị trường, một tổ chức tín dụng cho vay lãi suất dương, đi vay để cho vay, nhưng chúng ta cho vay lãi suất âm. Thậm chí, lãi suất 6% trong khi thị trường là 12% - 14%.

"Ở đây, chúng ta đã vận dụng chính sách tài khóa và tín dụng. Cùng với đó, huy động thấp nhất, rẻ nhất, thậm chí không trả lãi.

168.000 tổ vay vốn sẽ làm việc với người dân, 10.426 điểm giao dịch xã… Một mô hình gần dân, sát dân, vì dân, tiết kiệm chi phí tối đa cho người dân. Điều này giúp gói hỗ trợ chính sách được triển khai nhanh chóng", ông Thắng nhấn mạnh thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn