MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn chưa hết khát vốn

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 01/11/2023 17:49

Đại biểu Quốc hội nêu thực tế hiện nay ngân hàng đang thừa tiền, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang khát vốn; hai bên cùng muốn một đích nhưng lại không đến được.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang khát vốn

Chiều 1.11, thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) bày tỏ quan tâm đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu cho biết, năm 2022, ngân hàng đã cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay hơn 2 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngân hàng thừa tiền, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang khát vốn.

"Hai bên cùng muốn đến một đích nhưng lại không đến được. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã triệu tập khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, khối ngân hàng để thảo luận trong thời gian rất lâu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã triệu tập hai hội nghị, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị", đại biểu Thân nói.

Đại biểu cho rằng, chúng ta cần có giải pháp bơm vốn vào cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Chính phủ nếu được Quốc hội cho phép thì phải mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho ngân hàng, giảm các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thực chất, ổn định lâu dài thông qua các giải pháp kích thích, tiêu thụ hàng hóa nội địa, các giải pháp về tài khóa.

Có thể kể đến như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế suất giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; khuyến khích xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách…

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang. Ảnh: Phạm Thắng

Đánh giá lại các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đánh giá Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu, tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.

Theo đại biểu, doanh nghiệp đang tiếp tục đối mặt với khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Bởi thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật.

Ngoài ra, cách ứng xử đùn đẩy né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.

Đại biểu Lê Hữu Trí. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế.

Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu.

Đồng thời, có các chính sách mang tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn