MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cải cách chính sách tiền lương là một cú hích cho thị trường lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngân sách dư 263.000 tỉ đồng, cải cách tiền lương có thể áp dụng từ 7.2024

PHẠM ĐÔNG LDO | 20/09/2023 16:24

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tại phiên bế mạc của Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 được tổ chức tại Hà Nội ngày 19.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024. Đây cũng là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

“Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1.7.2024”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 74 năm 2022 của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đến cuối 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách Trung ương chưa sử dụng khoảng 54.517 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng dư tiền dành cải cách tiền lương là 208.457 tỉ đồng. Như vậy, ngân sách dư 263.000 tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ 2024.

Hiện nay, quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết 27 của Trung ương, Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025.

Bộ Tài chính sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương đến ngày 31.12.2022.

Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng khung ngân sách Nhà nước 2024, kế hoạch ngân sách 3 năm 2024-2026, trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Trên cơ sở đó sẽ dự kiến việc sử dụng nguồn này để thực hiện cải cách tiền lương.

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 (tháng 6.2023), Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6, dự kiến diễn ra tháng 10.

Trước đó, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 9.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Về nhiệm vụ cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đã chủ động tham mưu Thủ tướng xây dựng báo cáo lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.

Trong đó, mức tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỉ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng...

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất phương án điều chỉnh các năm tiếp theo. Định hướng của chính sách này là tiếp tục điều chỉnh mức lương thấp nhất để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP, cho đến khi đạt mức lương thấp nhất cao hơn mức lương thấp nhất vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.

Bộ Nội vụ sẽ dự toán nguồn kinh phí, kế hoạch nhiệm vụ đối với các bộ, cơ quan liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn