MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Ảnh: PV

Ngành Công Thương về đích ấn tượng với các chỉ tiêu được giao năm 2019

thuỳ dung LDO | 27/12/2019 08:53

Một trong những thành quả nổi bật của ngành Công Thương trong năm vừa qua có thể kể đến con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. 

Những thành tựu nổi bật của ngành Công Thương năm 2019

Theo dự kiến, sáng nay (27.12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 ngành Công Thương.

Với những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, ngành Công Thương đã hoàn thành đạt và vượt mức tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2019.  

Một trong những thành quả nổi bật của ngành Công Thương trong năm vừa qua có thể kể đến con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao. Đáng mừng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 - 8%). 

Cũng trong năm 2019, Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết. Hai hiệp định thương mại trên đã giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đồng thời, tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Công tác quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ được củng cố, góp phần quan trọng ổn định thị trường.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ phong trào góp phần tạo chuyển biến về nhận thức trong toàn xã hội đã dần trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện, với chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019.

Việt Nam thành công trong việc sản xuất máy biến áp nguồn dự phòng 500kV công suất 467 MVA. Việt Nam cũng đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000MW.

Quá trình tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã tấn công vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỉ đồng (chưa tính trị giá hàng tịch thu chưa bán). 

Thách thức năm 2020 và quyết tâm vượt khó

Bộ Công Thương đánh giá, năm 2020, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội/thuận lợi và khó khăn/thách thức đan xen. Mục tiêu tổng quát đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2020 là tập trung thực hiện để bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo đó, ngành Công Thương phấn đấu đạt các mục tiêu (so với năm 2019): Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 9 - 10% so; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8%; Tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,8 - 12%; Cân đối về điện: Bảo đảm nhu cầu điện năm 2020 dự kiến tăng khoảng 9,1%, điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỉ kWh; Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C tăng 25%; Doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt 50%; Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 70%.

Với mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, đánh giá kỹ tình hình và xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng quý, cả năm và các giải pháp để tổ chức thực hiện. Cụ thể: Tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. 

Đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương. 

Tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững...  

Thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại (FTA) đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới. Tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập. 

Nhanh chóng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn