MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Kiểm sát nhân dân và chỉ đạo ngành trong thời gian tới. Ảnh: V.Dũng.

Ngành KSND cần thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm

Việt Dũng LDO | 24/07/2020 11:45

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 5 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) tại Lễ kỷ niệm 60 năm  ngày thành lập Viện KSND sáng 24.7.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày  thành lập VKSND và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những thời cơ to lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả trong nước và quốc tế...

Để góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành KSND cần thực hiện tốt chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao; quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Cán bộ, công chức, kiểm sát viên ngành Kiểm sát cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế.

Thứ hai, thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát trước Đảng, là hoạt động bảo đảm tính tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát phải thực sự là công cụ sắc bén của Đảng trong công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tiếp tục phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động kiểm sát tư pháp, nhất là của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, bảo đảm cơ quan này thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Tăng cường trách nhiệm công tố, bảo đảm công tố phải gắn với hoạt động điều tra, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ, việc khiếu kiện đông người, các “điểm nóng”, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung giải quyết tốt các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm sát, bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan kiểm sát...

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chú trọng đàm phán, ký kết các thoả thuận quốc tế về tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy liên quan tới yếu tố nước ngoài.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua với nội dung thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Ngành...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn