MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Ngành thông tin và truyền thông luôn gắn liền với lịch sử dân tộc

Thái Bình LDO | 25/08/2021 18:36

Tháng 8.2007, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Báo chí, Xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Là một Bộ quản lý nhà nước với nhiều lĩnh vực ngành có bề dày truyền thống được hình thành, phát triển và lớn lên cùng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay có nhiều ngày kỷ niệm truyền thống của các lĩnh vực: Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, Ngày Truyền thống ngành Bưu Điện 15.8, Ngày Truyền thống ngành Xuất bản – In và Phát hành 10.10.

Đồng hành cùng dân tộc

Tiền thân của Bộ TT&TT ngày nay là các cơ quan mang đậm chất Bưu điện như: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính -Viễn thông (2002), nay là Bộ TT&TT (2007). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, ngành TT&TT đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của cách mạng được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ tin tưởng giao phó.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức của ngành TT&TT đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Gần 10.000 người con ưu tú của ngành Bưu điện và phóng viên đã anh dũng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thông tin và Truyền thông là ngành có nhiều liệt sĩ nhất đã hy sinh trong chiến tranh, chỉ sau quân đội.

Ngành Bưu chính viễn thông của đất nước ngày càng phát triển hiện đại
 Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành TT&TT đã lựa chọn hướng đi mang tính đột phá, thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa và đa dịch vụ; lấy viễn thông quốc tế làm đột phá khẩu, đưa công nghệ hiện đại nhất vào Việt Nam.

Vào thời điểm đó, Tổng cục Bưu điện quyết định đi thẳng vào số hóa viễn thông Việt Nam với công nghệ hiện đại, cung cấp những dịch vụ tiên tiến kể cả internet để đáp ứng nhu cầu liên lạc của cả đất nước thời kỳ mở cửa và hội nhập. Quyết định thứ hai là xóa bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh với quốc tế. Với Internet là năm 1997, và với viễn thông là từ năm 2000. Nhờ có cạnh tranh mà giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Dịch vụ viễn thông và internet Việt Nam được phổ cập nhanh và rộng rãi đến đa số người dân kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Năm 2000 Bộ Chính trị ra chỉ thị 58/CT-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Trong Chỉ thị này nêu sẽ nghiên cứu để xây dựng một tổ chức quản lý nhà nước đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này. Đó là hai lý do thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở của Tổng cục Bưu điện.

Sau 5 năm (1995-2000), thực hiện các chiến lược, hội nhập và phát triển, đẩy mạnh, phát triển như vũ bão internet ở Việt Nam để phục vụ cho người dân, cho cải cách hành chính và cũng hướng tới chính phủ điện tử, cũng như phát triển chính phủ điện tử trong tương lai.

Đi đầu trong hội nhập kinh tế

Kể từ tháng 8.2007 đến nay, ngành thông tin-Truyền thông tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí, Xuất bản tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Lĩnh vực báo chí, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, internet và CNTT đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền báo chí, xuất bản tiên tiến, hiện đại.

Lĩnh vực xuất bản từng bước vào nền nếp, ổn định và phát triển. Hàng chục nhà xuất bản, hàng ngàn cơ sở in công nghiệp, và hơn mười ngàn cơ sở phát hành xuất bản phẩm, số lượng sách xuất bản hàng năm góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội.

Lĩnh vực viễn thông và internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bảo đảm thông tin liên lạc mọi lúc, mọi nơi. Đến nay, tỷ lệ phủ sóng di động gần như kín trên toàn quốc; công tác thông tin liên lạc phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước luôn được bảo đảm. Mạng thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được hoàn thiện, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước thông suốt trong mọi tình huống.

Lĩnh vực CNTT phát triển rất nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào cải cách hành chính, tối ưu hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử và trở thành một nền tảng không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại được tập trung đẩy mạnh trên toàn quốc từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đến bạn bè quốc tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày truyền thống Ngành TT&TT là một quyết định rất quan trọng ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong chặng đường phát triển mạnh mẽ của ngành TT&TT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn