MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét xử trực tuyến là một trong những hoạt động của việc chuyển đổi số của ngành Tòa án, mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm. Ảnh: N.Anh

Ngành Tòa án dẫn đầu về chuyển đổi số thành công cấp bộ

Quang Việt LDO | 22/08/2024 17:00

Việc chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành Tòa án có dấu ấn đậm nét của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Việc Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lựa chọn là mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, đó là một vinh dự của ngành, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đổi mới, hiện đại hóa hoạt động Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ghi nhận trên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số được đưa ra sau 2 năm (từ năm 2022) TAND Tối cao thực hiện chuyển đổi số. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu ngành Tòa án.

Theo đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình không chỉ là người trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi số mà còn trực tiếp truyền đạt, dạy nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên gia công nghệ làm chuyển đổi số cho ngành Tòa án; trực tiếp đưa ra các yêu cầu cụ thể của ngành cũng như chia sẻ làm thế nào để đạt được kết quả như mong muốn.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình từng chia sẻ, trước áp lực công việc tăng lên, biên chế giảm xuống, đòi hỏi của xã hội, của nhân dân ngày càng cao cùng yêu cầu từ Đảng, ngành Tòa án không có lối thoát nào khác ngoài chuyển đổi số.

Dưới sự chỉ đạo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong hai năm thực hiện chuyển đổi số, ngành Tòa án đã triển khai xây dựng nhiều nền tảng số như: hoạt động tố tụng, quản lý công việc, công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhân sự, quản lý và lưu trữ hồ sơ vụ án, quản lý tài sản, họp, hội nghị trực tuyến, thống kê, tổng hợp, giám sát thông tin về tòa án trên không gian mạng và giám sát và điều hành hoạt động TAND…

Hệ thống công nghệ hiện đại phục vụ cho việc xét xử một “đại án” ở TAND Hà Nội. Ảnh: Quang Việt

Đặc biệt, thời gian qua, hệ thống Tòa án đã cung cấp dịch vụ tư pháp công theo hướng hiện đại, thuận lợi, tiết kiệm và công khai, minh bạch trên môi trường điện tử; triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.

Hệ thống Tòa án bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày.

Công tác xét xử trực tuyến được đẩy mạnh, với gần 20.000 vụ án được giải quyết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng.

Đánh giá việc triển khai chuyển đổi số tại TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, việc Chánh án TAND Tối cao trực tiếp làm dự án chuyển đổi số đầu tiên, trực tiếp chỉ đạo công cuộc chuyển đổi số ngành Tòa án là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn