MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu (cao nhất) thực hiện mổ ruột thừa trong Trại Davis trước năm 1975. Ảnh: Chụp lại tư liệu

Ngày 30.4.1975 ở Trại Davis

Kỳ Quan LDO | 30/04/2020 12:00
Những ngày cuối tháng 4.1975, do nhiệm vụ đặc biệt mà ông - một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam - có mặt ngay tại sào huyệt của đối phương, Trại Davis trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Ông và các đồng đội đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và có thể hy sinh. Cũng chính các ông đã vinh dự treo lá cờ Tổ quốc đầu tiên ở nội ô Sài Gòn sáng 30.4.1975.

Giữa sào huyệt đối phương

Dù đã ở tuổi ngoài 80, nhưng mỗi lần nhắc đến những năm tháng làm nhiệm vụ đặc biệt trong Trại Davis, ông Nguyễn Văn Sáu (nguyên đại úy quân y, thành viên phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) trong Ban Liên lạc Quân sự Bốn bên (BLLQSBB) thi hành Hiệp định Paris, hiện nghỉ hưu tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) vẫn sôi nổi, như sống lại giai đoạn hào hùng ấy. 

Ông nhớ lại, một ngày tháng 1.1973, khi đang là bác sĩ, Tiểu đoàn phó Quân y Sư đoàn 9, phục vụ tại mặt trận An Lộc, ông được lệnh đi nhận nhiệm vụ đặc biệt - tham gia phái đoàn CPCMLTCHMNVN trong BLLQSBB. Hai ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27.1.1973), phái đoàn được máy bay của quân đội Mỹ đến Lộc Ninh rước vào Trại Davis theo tinh thần của Hiệp định. Phái đoàn hơn 100 người do tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn. Đại uý bác sĩ Nguyễn Văn Sáu làm Trưởng tiểu ban Quân y gồm 7 người. Các ông vào trại David khi Tết Quý Sửu đã gần kề. Đêm giao thừa, các ông ngồi quanh chiếc radio, uống trà Ba Đình, hướng về Hà Nội chờ nghe Bác Tôn chúc Tết.

Ông Sáu nhớ lại, sau 2 tháng khi việc trao trả tù binh và lính Mỹ rút khỏi lãnh thổ VN, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Hoa Kỳ hết nhiệm vụ, rời khỏi Sài Gòn, chỉ còn lại phái đoàn CPCMLTCHMNVN và phái đoàn Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trong BLLQS Hai bên. Việc thực thi Hiệp định Paris càng lúc càng đi vào bế tắc vì Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cố tình phá hoại Hiệp định. Phái đoàn của cách mạng miền Nam trong Trại Davis vì vậy mà như cây gai nhọn trong mắt đối phương.

Lắng nghe chiến trường xa

Đầu năm 1975, khi Quân Giải phóng đánh thắng và làm chủ Phước Long, chính quyền Sài Gòn càng lồng lộn phản ứng, đe dọa phái đoàn CPCMLTCHMNVN trong trại Davis. Bất chấp hiểm nguy, các ông vẫn kiên trì lợi dụng thế hợp pháp bám lại Sài Gòn để tăng uy thế cho cách mạng. Tình hình chiến sự bên ngoài dồn dập “bay” vào trại, ta làm chủ Tây Nguyên, rồi miền Trung... Trong trại Davis, sinh mạng của cả phái đoàn càng trở nên mong manh.

Đối phương cho xe thiết giáp đậu quanh bao vây, chĩa nòng pháo vào trại. Một kế hoạch giải cứu được đưa ra, bằng cách cho đặc công đột nhập vào trại đưa phái đoàn thoát ra ngoài.

“Theo kế hoạch táo bạo ấy, hầu hết phái đoàn sẽ được đặc công đưa ra ngoài, chỉ để lại Trại Davis đội quân cảm tử 12 người, trong đó có tôi làm nhiệm vụ y tế. Tôi đã viết thư, gửi kỷ vật và địa chỉ gia đình cho những người thoát ra, phòng chuyện xấu nhất. Nhưng kế hoạch giải cứu phải đình lại vào phút chót vì không an toàn” - ông Sáu kể.

Khi quân Giải phóng càng tiến sát Sài Gòn, an ninh xung quanh Trại Davis càng bị siết chặt và căng thẳng. Trại Davis lại nằm trên địa hình bằng phẳng, trống trải, sẽ rất bất lợi cho đội quân phòng thủ bên trong nếu xảy ra chiến sự. Từ giữa tháng 4.1975, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ được triển khai đào hầm trú ẩn và công sự chiến đấu. Yêu cầu đặt ra là vừa phải đảm bảo bí mật, vừa đạt yêu cầu chiến đấu, kể cả trú ẩn được khi quân Sài Gòn pháo kích hay quân giải phóng bắn lạc vào trại. Cái khó đầu tiên họ phải đối mặt là quá thiếu cuốc xẻng, đất nền sân bay lại khá cứng. Mọi người sử dụng dao găm chiến đấu, cọc sắt giăng mùng... để đào.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu cũng xắn tay vào đào hầm cùng anh em. Chỉ sau hơn 10 ngày, hệ thống hầm, hào trú ẩn và chiến đấu dài cả cây số hoàn tất. Có cả hệ thống đường hầm từ nhà này nối liên hoàn với nhà kia thì được đào ngầm dưới mặt đất. Lính gác Sài Gòn ngoài tường rào Trại Davis không thể ngờ rằng một hệ thống “địa đạo” đang xuất hiện sát bên mình.

Lực lượng trong trại Davis thời điểm đó tương đương tiểu đoàn, đều có khả năng chiến đấu cao vì hầu hết đã trải qua trận mạc. Các ông dự tính, nếu có chiến sự xảy ra, lực lượng chiến đấu trong Trại Davis có khả năng phòng thủ một vài ngày để chờ quân giải phóng vào ứng cứu.

Theo quy định của Hiệp định, cán bộ, chiến sĩ ta chỉ được mang theo vào trại súng ngắn và súng trường, mà các ông lại rất cần vũ khí chống tăng, thiết giáp. Một kế hoạch trang bị vũ khí chống tăng được vạch ra và thực hiện hoàn hảo.

Trước đó, trong trận đánh Buôn Ma Thuột, quân Giải phóng đã giữ 2 sĩ quan Iran và Indonesia trong Ủy ban quốc tế. Phái đoàn của ta ở Trại Davis đề nghị chính quyền Sài Gòn cho máy bay lên Lộc Ninh rước 2 người này về Sài Gòn. Bằng cách ấy, ta đã đàng hoàng chuyển kèm 2 vali “ngoại giao” với đầy vũ khí chống tăng về Trại Davis mà không hề bị nghi ngờ.

Những ngày cuối cùng

Ngày 25.4, bác sĩ Nguyễn Văn Sáu thực hiện ca mổ ruột thừa ngay trong trại, cũng là lúc phái đoàn ta nhận được điện cho biết ngay trong đêm các cánh quân của bộ đội chủ lực sẽ tiến đánh Sài Gòn, phái đoàn trong Trại Davis chuẩn bị đối phó với mọi tình huống. Rồi tốp máy bay ta lấy được của đối phương ở Đà Nẵng bay vào giội bom sân bay Tân Sơn Nhất, tiếng súng phòng không bắn theo, các ông nghe và thấy rõ mồn một…

Trưa 29.4, một đoàn khách tự giới thiệu là phái viên của chính quyền Sài Gòn đến xin gặp phái đoàn ta để “thương lượng”. Lãnh đạo phái đoàn ta không tiếp, chỉ cử một cán bộ đem theo bản tuyên bố của CPCMLTCHMNVN ngày 26.4.1975 kêu gọi quân đội Sài Gòn hạ vũ khí để bớt đổ máu và bớt thiệt hại cho nhân dân.

Buổi chiều, đoàn khách khác do Giáo sư Châu Tâm Luân và linh mục Chân Tín tự giới thiệu do Tổng thống VNCH Dương Văn Minh cử đến xin gặp lãnh đạo phái đoàn của ta với cùng nội dung. Bên ta không tiếp, chỉ cử người chuyển cho đoàn khách bản tuyên bố ngày 26.4.1975. Đến Gần tối, đoàn của Giáo sư Châu Tâm Luân lại đến và khẩn khoản xin gặp. Lãnh đạo phái đoàn đã tiếp các vị khách do Tổng thống VNCH Dương Văn Minh cử đến. Các vị khách đề nghị tiến hành một cuộc thương lượng nhằm tránh đổ máu và thiệt hại, nhưng phái đoàn ta nêu rõ quan điểm: Bây giờ chỉ còn một con đường là chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện.

Vào khoảng 21h, khi khách chuẩn bị ra về, phái đoàn ta nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh chiến dịch cho biết pháo binh của ta sắp bắn vào các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Các vị khách đã xin ở lại trong trại để tránh nguy hiểm. Sáng hôm sau, ngày 30.4.1975, các vị khách đã dùng bữa sáng với lãnh đạo phái đoàn ta và được tặng mỗi người 2 chai rượu Lúa Mới và một gói lương khô trước khi ra về.

Vào khoảng 8h, các ông nghe tiếng pháo binh bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cơn bão lửa vừa tan, bọn lính gác trên 13 trạm vây quanh Trại Davis, cùng toán lính dù, lính thiết giáp… biến mất, bỏ lại mũ, giày, quân phục, súng đạn trên con đường trước cổng Trại Davis. Để rồi bác sĩ Nguyễn Văn Sáu đã cùng đồng đội là những người kéo lá cờ cách mạng sớm nhất ở nội ô Sài Gòn, trong Trại Davis, vào lúc 9 giờ ngày 30.4.1975, trước khi Quân Giải phóng vào Dinh Độc Lập.

Khoảng 10h, niềm vui càng dâng cao khi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) sau khi đánh chiếm sân bay đã đến thăm phái đoàn ta trong Trại Davis. Từ đó đến trưa, cả phái đoàn tập trung bên radio cùng lúc mở Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau những ngắt quãng đầy sốt ruột, cuối cùng, vào lúc 11h30 Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh. Trại Davis vỡ òa trong niềm vui lớn của cả dân tộc.

Chiều 30.4.1975, phái đoàn ta đã tự lái xe đi thăm 2 phái đoàn quân sự Hungary và Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế, những người đã hết lòng ủng hộ phái đoàn ta trong hơn 2 năm thực thi Hiệp định Paris. Dù gia đình chỉ cách Sài Gòn hơn 50 cây số, nhưng giữa bộn bề công việc tiếp quản sau chiến thắng, hơn nửa tháng sau bác sĩ Nguyễn Văn Sáu mới được về thăm nhà. Đến lúc đó, những người thân mới biết ông Sáu đã trải qua hơn 2 năm làm nhiệm vụ đặc biệt giữa Sài Gòn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn