MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu tại họp báo. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngày 4.1.2022, Quốc hội họp kỳ bất thường xem xét 4 nội dung cấp bách

Phạm Đông - Hải Nguyễn LDO | 30/12/2021 16:37

Theo chương trình, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 4.1.2022. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét 4 nội dung cấp bách.

Chiều 30.12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ nhất dự kiến khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội vào ngày 4.1.2022 và bế mạc vào ngày 11.1.2022.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Vũ Minh Tuấn, kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra trong trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước.

Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Trong đó, dự án một luật sửa 8 luật nhằm tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tháo gỡ một số khó khăn trong: triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần tăng tỷ lệ thi hành án về tiền, tạo điều kiện rút ngắn thời gian, giảm bớt các chi phí và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án.

Khuyến khích thu hút vốn, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Khuyến khích việc đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội kịp thời để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Cũng theo Văn phòng Quốc hội, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là cần thiết. Trong đó, kinh tế Cần Thơ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời giúp Cần Thơ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn