MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cựu binh tàu không số 235 thắp hương tại nhà thờ, tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: Nhiệt Băng

Ngày “đặc biệt” của gia đình liệt sĩ, cựu binh tàu không số 235

Nhiệt Băng - Châu Tường LDO | 27/07/2017 16:18
49 năm trước (đêm 29.2, rạng sáng 1.3.1968), 20 cán bộ, chiến sĩ tàu không số 235 đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Và một người phụ nữ không chỉ cưu mang, săn sóc 5 chiến sĩ, mà còn làm được một điều có ý nghĩa để tri ân các liệt sĩ đã hy sinh.
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), ngày 27.7, ngày giỗ "đặc biệt" đã diễn ra tại Đài tưởng niệm phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Tạm ngưng mọi lo toan thường nhật, gần 200 cán bộ, cựu binh, thân nhân liệt sĩ về đây. Đặc biệt, 4 cựu binh tàu không số 235 và thân nhân liệt sĩ trên tàu không kìm được xúc động khi đến ngôi nhà thờ được xây dựng khang trang phía sau đài tưởng niệm - nơi sau nhiều đêm thao thức, vợ chồng ông Nguyễn Bá Cường - Phạm Thị Hường (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) đã quyết định bỏ tiền túi và kêu gọi xây dựng. 

Trước bàn thờ, ông Cường xúc động đọc bài phát biểu: "Chúng tôi còn, nguyện góp sức chung lưng/Nghĩa khí người xưa, chúng tôi xin tiếp nối/Để góp phần xây dựng đất nước mạnh giàu/Và tiếp tục giáo dục cho các con cháu mai sau, kế tiếp nên người/Giữ cho Tổ quốc trường tồn mãi mãi...".

Vợ chồng bà Hường bên các đồng đội, cựu binh về dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nhà thờ tưởng niệm. Ảnh: C.Tường
49 năm trước (đêm 29.2, rạng sáng ngày 1.3.1968), 20 cán bộ, chiến sĩ tàu không số 235 - làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Quân khu VI - đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng với 7 tàu chiến và 2 liên đoàn biệt động Mỹ, ngụy. Người chỉ huy tàu - liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh (SN 1933, quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mưu trí, kiên cường chiến đấu, cùng đồng đội thả hàng xuống biển an toàn và kịp thời. Dẫu bị địch phát hiện, các anh vẫn tỉnh táo quyết định kích nổ tàu, không để lại dấu vết.
Bà Hường (làm việc tại bến K67, đóng tại Ninh Vân lúc đó) chính là người cưu mang, săn sóc 5 chiến sĩ (gồm các anh: Nguyễn Duy Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật) sống sót thần kỳ sau 13 ngày đêm chống chọi với đói khát nơi núi rừng khô khốc, không nước, chẳng thức ăn.
Bài phát biểu nhân ngày giỗ chung của các liệt sĩ mà ông Nguyễn Bá Cường khiến các đại biểu, thân nhân không kìm được nước mắt. Ảnh: N.Băng
Nhắc đến thời khắc cùng cực ấy, bà Hường rưng rưng: "Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng nhưng thời điểm tàu 235 vào, địch công kích liên tục vào bến, đốt phá cả trạm y tế nên không thể nào ra được. Các đồng đội trực ở bến tứ tán, tránh bị địch phát hiện. Tôi bị lạc 2 ngày đêm, sau đó quay về và tìm thấy các anh".
Dìu các anh từ núi Hòn Hèo xuống làng, bà Hường cố gắng tìm kiếm lương thực ở trạm xá cho các anh "giải" đói nhưng tất cả đều đã bị địch phá hủy. Không còn cách nào khác, bà Hường phải đi đào củ khoai mài, khoai khai về luộc cho các anh ăn. Lo các anh lạnh và bị muỗi đốt, bà Hường đi nhặt dù pháo sáng của địch may từng cái võng cho các anh nằm.
“Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in, lúc chia tay trở về Bắc, các anh còn nắm chặt tay tôi, khóc: "Hường ơi, những bọc võng em đã may cho tụi anh, sau này tụi anh sẽ cho vào bảo tàng"” - bà Hường tâm sự.
Với các chiến sĩ may mắn sống sót là thế, còn các liệt sĩ đã hi sinh thì sao? Câu hỏi đó luôn xuất hiện trong tâm trí bà khi hòa bình lập lại. Và rồi, bà quyết định bỏ tiền xây hẳn một nhà thờ trong khuôn viên Đài tưởng niệm phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa). Ngày ngày, vợ chồng thắp hương cho các anh.
Rảnh rỗi, bà Hường đi kêu gọi tài trợ ghế đá, cây cảnh cho nơi này thêm đẹp. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 1.3, vợ chồng bà Hường tổ chức đám giỗ cho các anh ngay tại xã Ninh Vân - nơi xảy ra trận chiến lịch sử của tàu 235. Riêng ngày 27.7 là ngày giỗ chung cho các anh. 

Tay bắt mặt mừng, niềm vui khôn tả khi đặt chân đến nhà thờ, cựu binh Lê Duy Mai (tàu không số 235) chia sẻ: "Tôi được anh Nguyễn Phan Vinh (chỉ huy tàu) giao nhiệm vụ nổ bộc phá để phá hủy tàu. Đó là giai đoạn lịch sử căng co, ác liệt. Vì thế, Ninh Vân có nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với tôi. Tôi thấy rằng, đây là vinh dự rất lớn, tự hào rất lớn khi được về với đồng đội tàu không số 235".

Cựu binh Lê Duy Mai mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hãy tiếp bước, thắp sáng hơn nữa truyền thống anh hùng của cha anh nói chung và liệt sĩ đoàn tàu không số xưa nói riêng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn