MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Trần Vương

Ngày Pháp luật VN: Để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, thực hiện tốt Luật

NHÓM PV LDO | 09/11/2022 14:47

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, hoàn chỉnh, có chất lượng tốt, đi sát với cuộc sống thì việc chúng ta quản lý xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều, kinh tế - xã hội cũng sẽ có nhiều bước phát triển hơn nữa.

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9.11), bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nội dung này.

Thưa đại biểu, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua có nhiều bước đổi mới, hành lang pháp lý đã tạo điều kiện để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?

- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Có thể nói, trong những năm qua và đặc biệt là trong khóa XIV và XV, công tác xây dựng pháp luật đã được Quốc hội đổi mới rất nhiều, thể hiện qua việc danh sách các dự án luật được trình qua mỗi kỳ họp để Quốc hội xem xét và cho ý kiến cũng tăng lên nhiều.

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế. Những tiến bộ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của chúng ta được quốc tế ghi nhận.

Có thể khẳng định, trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết.

Hành lang pháp lý có vai trò rất lớn trong việc phát triển KTXH, tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng pháp luật vẫn còn những bất cập, chậm triển khai trong thực tiễn. Bà có thể phân tích cụ thể điều này?

- Bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác xây dựng pháp luật của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, việc các hồ sơ, các dự án luật để trình Quốc hội, tôi nhận thấy rằng dù rất nỗ lực, thế nhưng cũng còn nhiều khi trình muộn và còn thiếu. Đặc biệt, khi hồ sơ luật gửi sang Quốc hội nhưng cũng vẫn thiếu các nghị định kèm theo, thậm chí có những khi để đủ hồ sơ thì những nghị định kèm theo ấy lại chưa được chú trọng đến mặt nội dung.

Thứ hai, cũng có nhiều luật ban hành rồi nhưng nghị định hướng dẫn thì vẫn còn thiếu. Chính vì vậy, đã dẫn đến việc luật đi vào cuộc sống vướng chỗ nọ, vướng chỗ kia, chưa kể đến việc có những bộ luật vừa mới ban hành xong nhưng khi vừa đi vào thực thi đã thấy vướng mắc.

Điều đó chứng tỏ rằng, trong quá trình xây dựng luật pháp cũng có những điều mà chúng ta chưa tính hết và cũng chưa cân nhắc được nhiều chiều.

Chính bởi vậy, tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sẽ được nâng lên về mặt chất lượng và cũng rất mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung cao nhất tâm huyết và trí tuệ của mình cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

Bởi nếu như các bộ luật chúng ta ban hành có chất lượng tốt, đi sát với cuộc sống thì tôi tin chắc rằng việc chúng ta quản lý xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều, kinh tế - xã hội cũng sẽ có nhiều bước phát triển hơn nữa.

Một vấn đề nữa là có nhiều người dân cũng chưa hiểu rõ, chưa nắm được các quy định trong các bộ luật đó. Vậy cần phải làm thế nào để những bộ luật trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn với người dân?

- Có một thực tế xảy ra là nhiều khi người dân chưa hiểu rõ về luật pháp. Thực trạng này là có, thậm chí có những khi người dân vi phạm pháp luật nhưng cũng không biết rằng những hành vi vi phạm này đã có quy định trong luật.

Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, người dân cũng có đọc qua nhưng không hiểu được, đặc biệt là những luật chuyên ngành sâu. Thứ hai, việc phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật cho nhân dân cũng chưa được đẩy mạnh.

Chính bởi vậy, để giải quyết vấn đề này, về phía các cơ quan soạn thảo khi xây dựng luật phải tính đến yếu tố luật là để áp dụng toàn dân, cho nên phải làm sao để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, thực hiện tốt.

Còn đối với các cơ quan quản lý cũng phải tăng cường công tác phổ biến và giáo dục pháp luật cho nhân dân, tránh trường hợp nhân dân không biết đến luật, thậm chí nếu biết đến luật cũng không biết phải hiểu theo nghĩa nào.

Đó là những điều mà chúng ta cần phải làm ngay, bởi nếu nhân dân có hiểu và biết đến pháp luật thì mới hy vọng việc thực thi pháp luật của chúng ta được tốt. Còn nếu người dân không hiểu, không biết nhiều về luật pháp thì việc thực thi pháp luật sẽ vẫn còn nhiều vướng mắc.

Xin cảm ơn đại biểu!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn