MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo tỉnh Nghệ An đến dự buổi lễ. Ảnh: Thành Duy/BNA

Nghệ An: Nghi Lộc được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới

QUANG ĐẠI LDO | 30/04/2022 21:54

Chiều 30.4, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí; Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Cầu Cấm và công bố huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo Bộ, ban ngành Trung ương, Quân khu 4...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2280 xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đối với lăng mộ và đền thờ danh nhân Nguyễn Xí; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 3241 xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Địa điểm lịch sử Cầu Cấm.

Ngày 18.11.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1940 công nhận huyện Nghi Lộc đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ huyện Nghi Lộc đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác dẫn đầu phong trào Thi đua yêu nước năm 2020 của tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng các Di tích lịch sử Quốc gia và công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới là vinh dự, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc.

Đồng thời đề nghị Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, trở thành một trong những huyện phát triển nhanh và toàn diện của tỉnh.

Nghi Lộc là huyện giáp ranh với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, có truyền thống văn hóa – lịch sử đặc sắc, là quê hương của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí (1397-1465), quê xã Nghi Hợp, danh thần khai quốc thời Lê sơ.

Đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí (xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc) - di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Ảnh: HĐ

Nghi Lộc có địa danh cầu Cấm nổi tiếng (cây cầu vượt sông Cấm, thuộc địa phận xã Nghi Quang và Nghi Yên), “tọa độ lửa” ghi dấu những chiến công oanh liệt của bộ đội, thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ 1966 – 1968, đã có hơn 100 bộ đội, thanh niên xung phong hi sinh tại đây.

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Lộc đã huy động, bố trí hơn 6.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã, thị trấn; trong đó đã huy động nhân dân đóng góp 1 triệu ngày công, hiến trên 3,5 triệu mét vuông đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng nguồn lực gần 1.500 tỉ đồng gồm tiền mặt, hiện vật, có trên 90% trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 1.706 tỉ đồng năm 2020; Quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp quy mô từ 50 - 150 ha/vùng; Xây dựng 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 40.900 mét vuông, mang lại thu nhập bình quân khoảng hơn 800 triệu đồng/ha/năm.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 47 triệu đồng/năm (tăng gần 34 triệu đồng/người so với năm 2010).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn