MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu chiến binh Hoàng Minh Chương (70 tuổi, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) nghẹn ngào tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hữu Chánh

Nghẹn ngào vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NHÓM PV LDO | 26/07/2024 18:16

Chiều ngày 26.7, linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời khỏi khu vực Nhà tang lễ Quốc gia hướng về Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) cũng là lúc nhiều người dân trên cả nước nghẹn ngào rơi nước mắt.

Khi linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chầm chậm ra khỏi cổng Nhà tang lễ Quốc gia hướng về nơi an nghỉ cuối cùng - Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) cũng là khoảnh khắc nhiều người dân không kìm được xúc động.

Có mặt tại đầu đường Trần Thánh Tông, bà Cao Thị Hiền (60 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sáng nay, bà đã dậy từ rất sớm để thu xếp công việc gia đình với mong muốn được vào Nhà tang lễ Quốc gia sớm nhất để viếng và tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bà Cao Thị Hiền đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Lương Hạnh

Trong giây phút xúc động, bà Cao Thị Hiền chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người tận tụy, nhiệt huyết với công việc, người dân rất mến mộ và thương tiếc bác.

“Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, chúng tôi rất buồn, đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai được”- bà Hiền nói.

Từ huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) xuống Hà Nội chờ đợi đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những đoạn đường cuối cùng, bà Ngô Thị Mến chia sẻ, bà cùng hai người phụ nữ cùng xóm và một cháu nhỏ đã di chuyển xuống Thủ đô từ 10h sáng ngày 26.7.

Người phụ nữ này đã cẩn thận chuẩn bị 2 hộp xôi đồ, 2 chai nước lọc và quạt giấy đem theo. Thường ngày, họ chỉ làm công việc buôn bán hàng hóa ở chợ, thi thoảng đi giúp việc gia đình. Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, họ đã tạm gác lại mọi công việc thường ngày để có mặt tại Hà Nội.

Bên cạnh bà Mến là mẹ con bà Ngô Thị Mai. Bà Mai chia sẻ, lí do bà đưa con đi cùng là để con khắc ghi những hình ảnh cuối cùng của Tổng Bí thư, để các thế hệ sau không bao giờ được quên công lao to lớn của những người đi trước.

"Phải có mặt tại đây, phải chờ đến khi đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, chúng tôi mới toại nguyện" - bà Mai vừa khóc, vừa nói thêm.

Những người phụ nữ từ Văn Lâm (Hưng Yên) xuống Hà Nội để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đoạn đường cuối cùng. Ảnh: Lương Hạnh

Dù thời tiết Thủ đô nắng gắt nhưng khắp các nẻo đường, tuyến phố, nơi linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư đi qua, dòng người vẫn đứng chật ních, kiên nhẫn chờ đợi.

Vượt hàng nghìn km ra Thủ đô, bà Phạm Thùy Linh (sinh sống ở tỉnh Kon Tum) chia sẻ, nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, sáng qua bà đã bay ra Hà Nội để tham dự lễ viếng.

Dù thời tiết nắng gắt, chiều 26.7, bà Linh vẫn cùng người thân hoà vào dòng người tại nghĩa trang Mai Dịch để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bà Phạm Thùy Linh (sinh sống ở tỉnh Kon Tum) có mặt tại khu vực nghĩa trang Mai Dịch để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Lan Nhi

Trong dòng người hướng về khu vực nghĩa trang Mai Dịch, cựu chiến binh Hoàng Minh Chương (70 tuổi, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) nghẹn ngào chia sẻ, đối với ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi gương học tập.

"Đêm hôm qua, tôi đã đi máy bay ra Hà Nội, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc nửa đêm. Dù đường xa vất vả nhưng tôi cũng cố gắng hôm nay đến đây tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người giản dị, hiền hậu, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước", ông Chương lặng người nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn