MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghị quyết 128 sau 1 năm: Hoá giải tình trạng đóng băng các hoạt động KTXH

Vương Trần LDO | 05/10/2022 18:03

Nghị quyết 128 là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu kép, ổn định xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Kết quả tăng trưởng trong quý III/2022 không phải con số ngẫu nhiên

Tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5.10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay: Thời điểm cuối tháng 9.2021, Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP, mức giảm rất sâu, -6%. Việc kinh tế tăng trưởng âm cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó. Khi đó chúng ta đã phải kiểm soát dịch bệnh bằng cách hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm hạn chế sự lây lan.

Sau đó, Nghị quyết 128 ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Ngay quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Và từ đó cho đến nay, bước sang quý III/2022, cùng với Nghị quyết 128 là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Với các giải pháp bổ sung như vậy, đến nay, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam khá rõ nét và được duy trì cho đến nay, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng năm nay với con số tăng trưởng GDP là 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Phương, đây là con số ta chưa bao giờ thấy được khi kết quả tăng trưởng GDP lên tới 2 con số. Và bình quân 9 tháng đạt tăng trưởng 8,83%, cũng là mức tăng trưởng cao.

“Có thể thấy, kết quả tăng trưởng trong quý III năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi” -  Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh và cho rằng Nghị quyết 128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặc quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đến nay đã chứng minh Nghị quyết 128 là kịp thời, đúng đắn, tại thời điểm quyết định thành công. Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn.

Nghị quyết 128 được dư luận, Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và cho rằng Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch, tạo sự linh hoạt, phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế xã hội ở một số nơi trong thời gian trước.

“Nghị quyết 128 là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu kép, ổn định xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới” - bà Liên nói.

Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết 128

Cùng trao đổi, TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, trải qua hơn 2 năm phòng chống dịch 2020-2021 và 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh thành công, giữ vững ổn định về mọi mặt, thúc đẩy tăng trưởng, vững bước phục hồi nhanh và phát triển bền vững. 

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 128 là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá và bây giờ chuyển sang trạng thái chung sống với COVID-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Theo Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết này. Trước hết Việt Nam đã bao phủ tỉ lệ tiêm chủng rất cao và tỉ lệ này gia tăng theo thời gian. Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát lây lan của virus ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp tại nơi công cộng… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn