MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thí sinh ở thành phố chia sẻ nỗi buồn và bức xúc trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực. Ảnh minh họa: H.N

Nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học: Tranh cãi cộng điểm ưu tiên có công bằng?

Bích Hà LDO | 02/08/2017 14:23
Sau mỗi kỳ thi, luôn có câu chuyện vui-buồn, nhưng chưa năm nào chuyện điểm chuẩn lại gây tranh cãi như kỳ thi năm nay, nhất là việc cộng điểm ưu tiên khu vực. Vì điểm ưu tiên, mà lần đầu tiên có chuyện điểm chuẩn “vượt trần”, thí sinh được 29-30 điểm vẫn cay đắng trượt nguyện vọng 1…

Điểm ưu tiên liệu có công bằng?

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy của Bộ GDĐT, có 3 nhóm thí sinh được ưu tiên cộng điểm khi xét tuyển ĐH, CĐ gồm: Nhóm ưu tiên theo đối tượng, nhóm ưu tiên theo khu vực và nhóm các thí sinh được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ nhưng không dùng quyền này mà dự thi và xét tuyển như các thí sinh khác.

Mức điểm ưu tiên cao nhất ở mỗi nhóm là từ 1,5 đến 3 điểm. Với quy định ưu tiên này, đa phần các thí sinh đều được cộng từ 0,5 điểm đến 1,5 điểm ưu tiên khu vực, hoặc ưu tiên đối tượng, chỉ có thí sinh ở các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là khu vực 3) là không thuộc diện được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Nhiều năm nay vẫn thực hiện chính sách này trong tuyển sinh ĐH, thế nhưng chưa năm nào được nhiều thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội tranh luận sôi nổi như năm nay. Xuất phát từ câu chuyện của 2 thí sinh khu vực 3 (thành phố) có điểm thi là 29,25 và 29,35 nhưng vẫn trượt 2 trường y khoa lớn nhất của cả nước, vì thua ở tiêu chí phụ và không được cộng điểm ưu tiên.

Liệu có công bằng không khi một học sinh giỏi chỉ vì yếu tố tâm lý khi đi thi thiếu 0,25 điểm có thể rớt ĐH, trong khi thí sinh thuộc diện ưu tiên được điểm thấp hơn vẫn vào ĐH? Chủ trương đúng, nhưng thực hiện chính sách như thế nào cho hợp lý để vừa thể hiện sự nhân văn mà vẫn đảm bảo công bằng trong giáo dục? Suốt những giờ qua, thí sinh giữa các khu vực không ngừng tranh cãi về vấn đề này.

“Cộng điểm là để đảm bảo công bằng, nhưng nhìn vào bức tranh điểm chuẩn năm nay có thể thấy chính sách này chưa hợp lý. Tại sao lại có chuyện một số trường có điểm chuẩn vượt trần, lấy tận 30,25 hay 30,5 điểm. Với điểm chuẩn này, thử hỏi khu vực 3 đào đâu ra thí sinh có điểm như thế cho 3 môn thi”- Đỗ Thu Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Năm nay có hiện tượng điểm chuẩn vượt trần, do cộng cả điểm ưu tiên của thí sinh vào điểm chuẩn.

Nhiều thí sinh ở khu vực 3 cũng chung suy nghĩ như Thảo, cho rằng việc cộng điểm mục đích ban đầu để tạo sự công bằng, nhưng vì đề thi năm nay chưa có sự phân hóa cao, nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối, nên đỗ hay trượt ĐH không còn phụ thuộc vào năng lực thí sinh mà phụ thuộc vào việc có được cộng điểm ưu tiên hay không, cộng nhiều hay ít.

Nên thay đổi cách cộng điểm ưu tiên khu vực

Lãnh đạo một trường ĐH y thừa nhận, hằng năm phần lớn những thí sinh trúng tuyển vào trường, nhất là ngành y đa khoa đều là những thí sinh được cộng điểm ưu tiên, số thí sinh thuộc khu vực 3 rất ít. Nhưng trường không thể làm khác vì đó là quy chế từ xưa đến nay của Bộ GDĐT. Và để vào được các ngành hot của trường top trên, thí sinh ở khu vực 3 chỉ có cách giành các giải học sinh giỏi quốc gia, huy chương quốc tế để nhận được suất tuyển thẳng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm ưu tiên hiện nay đang chiếm tỉ trọng quá lớn so với tổng điểm thi. Nhất là năm nay, đề thi 2 trong 1 có đến 70% câu hỏi vừa sức, cuộc chạy đua vào ĐH chỉ nằm ở 30% còn lại của bài thi. Nhưng với những thí sinh được cộng điểm ưu tiên thì chẳng cần chạy đua, nhờ điểm ưu tiên đã có thể đàng hoàng bước vào cánh cổng ĐH.

Dù cho rằng cần và nên duy trì việc cộng điểm ưu tiên, nhưng Phan Việt – sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân - đặt câu hỏi: Điểm cộng xuất phát từ mục đích khuyến học và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc, mục đích như thế là tốt, nhưng giả sử nó hợp lý, vậy tại sao chúng ta tranh cãi?

“Tôi cũng biết những bạn là người dân tộc, từ bé bạn đã sống ở thành phố. Tôi chơi với những bạn sinh ra ở thành phố, nhưng nhà nghèo, tiền học thêm còn không có và bạn không được cộng...” – Phan Việt chỉ ra những bất cập.

Tuy nhiên, Phan Việt cho rằng, không nên tranh cãi, kỳ thị nhau về vấn đề này, vì điểm thi đã công bố, ai đỗ - trượt cũng đã có kết quả. Có điều, đến lúc Bộ GDĐT cần có những điều chỉnh chính sách cộng điểm ưu tiên cho phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn