MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội.

Nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội

NHÓM PV LDO | 18/06/2024 16:34

Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại luật này.

Chiều nay (18.6), tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Dược (sửa đổi).

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Luật Dược góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý để phát triển theo hướng công khai, minh bạch, thể hiện tính tiên tiến, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một trong những điểm mới của dự thảo luật, đó là cho phép loại hình kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Dự thảo luật nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử có các trách nhiệm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Đặc biệt, dự thảo nghiêm cấm hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại luật này.

Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội ủng hộ việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Điều này là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc (đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử).

Cơ quan thẩm tra dẫn chứng các cơ sở kinh doanh dược cố định, có thời gian hoạt động, người phụ trách chuyên môn phải có mặt trong toàn bộ thời gian cửa hàng hoạt động.

Vậy, với các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, thời gian hoạt động 24/24, 7/7 ngày thì yêu cầu người phụ trách chuyên môn có mặt như thế nào?.

Ngoài ra, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố cũng phải được làm rõ; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm…

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, trong hoạt động bán lẻ có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí có khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc.

Thực tế này đòi hỏi cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Do đó, một số ý kiến đề nghị dự thảo luật chỉ nên tập trung quy định hoạt động bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn