MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Nghiên cứu có công trình văn hóa tầm quốc gia do xã hội, tư nhân thực hiện

PHẠM ĐÔNG LDO | 25/12/2023 17:06

Về việc phát triển các công trình văn hóa, thể thao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gợi mở có thể nghiên cứu những công trình ở tầm quốc gia nhưng có thể do địa phương, xã hội hay tư nhân thực hiện.

Tránh để lãng phí các công trình văn hóa, thể thao

Ngày 25.12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao phải đáp ứng đúng yêu cầu lý luận và thực tiễn khách quan, phát huy hiệu quả công năng sử dụng.

Bên cạnh đó, phải tránh tình trạng các công trình văn hóa, thể thao sau khi khánh thành ít được sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích; đồng thời không bị lạc hậu hoặc chệch hướng với nhu cầu phát triển văn hóa, thể thao ở tầm nhìn năm 2045.

“Ngoài các tiêu chí chung theo chuẩn khu vực, quốc tế, thì cần phân tích bổ sung thêm các chuẩn mực, giá trị biểu tượng của văn hóa Việt Nam, chú trọng yếu tố bản sắc độc đáo vùng miền, đối với các công trình văn hóa, thể thao”, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị.

Còn Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, quy hoạch phải tạo ra không gian rộng mở cho huy động nguồn lực trong xã hội, thay vì chỉ đề xuất các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

“Đây là quy hoạch ngành quốc gia về văn hóa, thể thao quốc gia, vì vậy, không nên giới hạn ở các cơ sở thuộc quản lý của Bộ VHTT&DL và phải tiếp cận theo vùng, địa phương với những đặc trưng về văn hóa, xã hội, con người”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi thêm.

Phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao. Ảnh: TTXVN

Phải có tư duy thiết kế rành mạch, rõ ràng

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới cơ sở, văn hóa thể thao quốc gia, cùng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp nhằm phát triển con người Việt Nam toàn diện về thể chất, tinh thần, góp phần thực hiện các mục tiêu, chiến lược về kinh tế, xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh các công trình văn hóa, thể thao phải trở thành biểu tượng của thế kỷ 21, của một Việt Nam hội nhập và phát triển, là điểm nhấn, dấu ấn kiến trúc, văn hóa trường tồn, góp phần phát triển các ngành công nghiệp xanh như văn hóa, du lịch…

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị tư vấn cần rà soát, cập nhật các mục tiêu, nội dung liên quan trong các văn kiện, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng,… nhằm định vị rõ mục đích, yêu cầu đặt ra đối với quy hoạch; tham khảo kinh nghiệm, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị phải có phương án tính toán quy mô, cấp độ (quốc tế, quốc gia, vùng), tiêu chuẩn kỹ thuật, lộ trình, tiêu chí ưu tiên lựa chọn đầu tư các dự án, công trình văn hóa, thể thao gắn với điều kiện hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch, bản sắc văn hóa, đời sống xã hội… ở các vùng, miền, địa phương.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các công trình văn hóa, thể thao quốc gia hướng đến đa mục tiêu, từ các sự kiện quốc gia, quốc tế đến nhu cầu của người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải có tư duy thiết kế rành mạch, rõ ràng, cùng cơ chế, chính sách đặc thù của lĩnh vực văn hóa, thể thao “phân vai” Nhà nước (Trung ương, địa phương), xã hội, tư nhân trong đầu tư, quản trị, vận hành, khai thác các công trình văn hóa, thể thao, từ đang hiện hữu đến cần nâng cấp hoặc xây mới, thậm chí “có những công trình ở tầm quốc gia nhưng có thể do địa phương, xã hội hay tư nhân thực hiện”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn