MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh Quốc hội

Nghiên cứu đề xuất trang bị máy bay cho lực lượng biên phòng

Vương Nguyên Chung LDO | 21/05/2020 14:12

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sử dụng khu vực biên giới, cho nước ngoài hoặc các thế lực khác sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới.

Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm

Sáng 21.5, tại Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Trình bày tờ trình về dự thảo luật Biên phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Quốc phòng cho biết Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai...

Mặt khác, sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp.

Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp…

Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh Quốc hội

“Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.

Khẳng định chủ quyền, biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, việc xây dựng dự án luật nhằm mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.

Rà soát lại các nhiệm vụ để tránh trồng chéo

Tán thành sự cần thiết ban hành luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu một số ý kiến liên quan tới dự án luật Biên phòng Việt Nam.

Về trang bị của bộ đội biên phòng, dự thảo quy định, “được trang bị máy bay, tàu thuyền, ôtô và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định pháp luật”.

Theo ông Võ Trọng Việt, có ý kiến cho rằng, quy định trang bị máy bay là chủ trương lớn, nhằm xây dựng bộ đội biên phòng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại” nên đề nghị nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực tế hoạt động của lực lượng này.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng “kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật” chồng chéo với thẩm quyền của hải quan, dễ gây hiểu là bộ đội biên phòng kiểm soát toàn bộ người, phương tiện, hàng hóa.

Đi cùng với nhiệm vụ, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát lại quyền hạn của bộ đội biên phòng để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự, luật Xử lý vi phạm hành chính, luật Phòng chống ma tuý; luật Phòng chống mau bán người…., tránh hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Cấm cho nước ngoài sử dụng biên giới Việt Nam đe doạ nước khác

Dự thảo luật gồm 7 chương, 33 điều. Trong đó, điều 4 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sử dụng khu vực biên giới, cho nước ngoài hoặc các thế lực khác sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới; mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; giả danh lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn