MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Ngoại giao cây tre Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư

Thanh Hà LDO | 23/11/2023 06:06

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tâm sự: "Khi trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy rằng nói càng nhiều càng thấy thú vị và càng thấy thân thiết".

Trong lễ giới thiệu cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 21.11, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho rằng, cuốn sách đã khắc họa góc nhìn đa dạng, nhiều chiều của những người làm công tác đối ngoại, nghiên cứu quan hệ quốc tế của các chính đảng và các nước về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, tư tưởng và triết lý ngoại giao cây tre Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng vừa kế thừa tinh hoa của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, vừa mang đậm tính thời đại, phù hợp với bối cảnh tình hình mới.

Các đại biểu tại lễ giới thiệu cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Hạ

"Trong quan hệ với một quốc gia, vừa là nước lớn, cường quốc hàng đầu, vừa là láng giềng có chung biên giới, có nhiều điểm tương đồng về thể chế chính trị, con đường phát triển..., bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chúng ta cần kiên định lập trường, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc, vừa mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt trong triển khai, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ lợi ích phát triển, mặt khác thúc đẩy hợp tác không ngừng đi vào chiều sâu, giảm thiểu bất đồng" - Đại sứ Phạm Sao Mai nói.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ, trong sự nghiệp đối ngoại, ông vinh dự tham gia công tác phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc 3 lần (năm 2015, 2017, 2022) và các hoạt động do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đón lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam năm 2015, 2017.

"Các hoạt động đó, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử tại Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022, đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc và đậm nét nhất về phong cách ngoại giao của Tổng Bí thư cùng triết lý và tư tưởng ngoại giao cây tre Việt Nam" - Đại sứ nói.

Nhà ngoại giao Việt Nam tiết lộ: "Các lãnh đạo, cán bộ của cả Việt Nam và Trung Quốc đều bị cuốn hút bởi phong thái ngoại giao điềm đạm, cách nói chuyện sâu sắc nhưng vô cùng gần gũi, giản dị, luận điểm kiên định, khí chất kiên cường nhưng hết sức uyển chuyển, linh hoạt, với tầm nhìn sâu rộng, kiến thức uyên bác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng tâm sự: "Khi trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy rằng nói càng nhiều càng thấy thú vị và càng thấy thân thiết".

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. Ảnh: TTXVN

Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, phong thái ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo được sức hút và sự lôi cuốn đặc biệt khi Tổng Bí thư luôn biết nhu - biết cương, biết thời - biết thế, biết mình - biết người, biết tiến - biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt, kế thừa phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Chính những triết lý và tư tưởng sâu sắc cùng nghệ thuật ngoại giao vô cùng cuốn hút của Tổng Bí thư đã tạo nên một phong cách ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam: Uyển chuyển, linh hoạt nhưng đầy bản lĩnh, kiên định và thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam" - Đại sứ Phạm Sao Mai nói.

Ông tin tưởng cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "sẽ là kho tàng giá trị để các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại tham khảo, vận dụng thực tế, góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại trong thời đại mới".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn