MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn sáng 7.6. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Người dân tộc thiểu số không đọc, nói được tiếng dân tộc mình

NHÓM PV LDO | 07/06/2023 10:11

Trước câu hỏi một bộ phận không nhỏ người các dân tộc không dùng, không biết ngôn ngữ của dân tộc mình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thừa nhận, đây là thực tế đang diễn ra, rất đáng lo ngại vì khi một dân tộc mất đi chữ viết thì nguy cơ sẽ bị biến mất.

Sáng 7.6, dưới sự chủ trì và điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu rõ, ngôn ngữ, tiếng nói là tài sản vô giá của mỗi dân tộc, là âm giai độc đáo, đặc trưng, tạo nên bản nhạc ngôn ngữ đa sắc đại dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người các dân tộc không dùng, không biết ngôn ngữ của dân tộc mình.

"Quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trước hiện tượng này và bộ trưởng có biện pháp gì để làm tốt hơn việc học tập, sử dụng và gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc?", ông Trí đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận, đây là thực tế đang diễn ra, rất đáng lo ngại vì khi một dân tộc mất đi chữ viết thì nguy cơ sẽ bị biến mất.

Ông cho biết, Chính phủ đã có Nghị định 82 quy định về việc học và nói, chữ viết trong các cơ sở giáo dục và trung tâm giáo dục thường xuyên; có dự án đào tạo cho cán bộ, học sinh tiếng nói, đọc, viết tiếng dân tộc.

Theo ông Hầu A Lềnh, Bộ Giáo dục Đào tạo đang triển khai đào tạo cho giáo viên để dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong chương trình học.

Tiếp đó, các cấp cần vận động để người dân tự hào, tôn trọng phong tục tập quán riêng cùng tiếng nói, chữ viết của mình.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) về vấn đề bố trí việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số khi học liên thông từ dự bị đại học lên đại học, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, với chính sách tuyển dụng người dân tộc thiểu số hiện nay, các bộ ngành cũng đang ưu tiên bố trí tuyển dụng người dân tộc thiểu số.

Giải pháp trong thời gian tới là cần có chính sách đặc thù về tuyển dụng công chức, viên chức, phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ này Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ thực hiện.

Trả lời tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) về cơ chế chính sách thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, hệ thống chính sách về lĩnh vực này có ở cả Trung ương và địa phương.

Trong đó ở Trung ương bao gồm các luật, văn bản quy định khác nhau. Trên cơ sở quy định Trung ương ban hành, địa phương sẽ cụ thể hóa để phù hợp với điều kiện của từng nơi.

Ông Lềnh nhất trí có hệ thống chính sách thống nhất từ Trung ương và chính sách linh hoạt ở địa phương. “Chính sách dành cho dân tộc thiểu số chưa đủ mạnh nên mong địa phương bám sát chính sách của Trung ương để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”, ông Lềnh nói.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Trao đổi với phần tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung nguồn lực bố trí cho địa phương. Tất cả có 10 dự án đều phân cấp, thẩm quyền về cho từng địa phương, còn Trung ương ban hành thông tư hướng dẫn, kiểm tra giám sát và hướng dẫn địa phương.

“Nguồn lực đầu tư giai đoạn này đã bố trí 104.000 tỉ đồng, trong đó có 50.000 tỉ đồng vốn đầu tư công”, ông Lềnh thông tin.

Ông cho biết, cơ cấu vốn sự nghiệp nhiều hơn vốn ngân sách do đây là tính đặc thù của chương trình mục tiêu quốc gia này.

Về hệ thống văn bản, ông cho biết, trong quá trình ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của các bộ ngành có một số vấn đề nảy sinh, ví dụ hệ thống văn bản quy định về tiêu chuẩn định mức còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất với nhau.

Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, tổng hợp và Chính phủ đã giao rà soát các văn bản có chồng chéo, hiện đã rà soát xong các văn bản này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn