MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Người đi lao động ở nước ngoài về nước cần được tạo việc làm

Nhóm PV LDO | 24/10/2020 08:07

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 10, chiều 23.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết: Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách đối với lao động là người dân tộc thiểu số; có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người thu nhập thấp hoặc khó khăn về chi phí khi đi lao động ở nước ngoài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, như vậy đã bao hàm đầy đủ các nhóm đối tượng mà đại biểu Quốc hội đề nghị. Đồng thời, để tránh trùng lặp, xin phép Quốc hội không nhắc lại các quy định này trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết thêm, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chính sách bảo đảm bình đẳng giới cần phải được cụ thể hóa hơn trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một số quy định tại các điều 27, 68 và 72. Bên cạnh đó, việc luật hóa danh mục các công việc và khu vực người lao động không được đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần hạn chế các rủi ro cho họ, đặc biệt là lao động nữ.

Phải phù hợp với các nguyên tắc thị trường

Trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Lao Động, Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta đang thực hiện tốt chính sách này. Tuy nhiên cần quan tâm tới các nguyên tắc điều chỉnh của thị trường. Và muốn được thị trường điều chỉnh thì phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Chúng ta có chính sách ưu ái nhất định tuy nhiên không vì vậy mà bỏ qua những quy định khác.

“Người lao động phải đáp ứng được tay nghề, am hiểu về pháp luật, tuân thủ pháp luật. Cùng với những chính sách ưu đãi, người lao động cần phải nâng cao tay nghề, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường” - Đại biểu Sinh nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Sinh, đối với việc cho vay ưu đãi cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đó là chính sách tốt. Tuy nhiên cần phải lưu ý, việc cho vay vốn ưu đãi này thì cần lưu ý 2 điều. Một là cho vay để đi lao động. Thứ hai là người lao động phải cam kết tuân thủ pháp luật, hết thời gian, thời hạn lao động tại nước ngoài thì phải về. Nếu không về phải có chế tài xử lý.

Còn Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được dẫn chiếu từ Luật Việc làm và các luật khác có liên quan để đảm bảo không trùng lắp, không trùng chéo và vẫn đảm bảo được quyền lợi của người lao động.

Trao đổi với Lao Động, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho biết: Về phía Uỷ ban, cũng ủng hộ quan điểm của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người đang băn khoăn cần phải làm rõ, khi giao nhiệm vụ này rồi thì phải có điều khoản quy định để không tăng biên chế, không trái với tinh thần của Nghị quyết Trung ương về sắp xếp lại bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập. Điều thứ hai là không tăng thêm chi phí cho người lao động. Thứ ba đó là không cản trở các địa phương thoả thuận, hợp tác với các doanh nghiệp khác của nước ngoài. “Đây chính là cơ hội để chúng ta tạo thêm nguồn đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài. Việc này cũng không trái với chức năng của trung tâm dịch vụ việc làm. Bởi đây là các đơn vị sự nghiệp công lập” - ông Lợi nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn