MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó TTg Chính phủ Vũ Khoan ngày 17.11. Ảnh: TTXVN

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Xây dựng nội lực đủ mạnh để tiếng chuông ngoại giao vang xa

Thanh Hà (thực hiện) LDO | 14/12/2021 11:29

Ngày 14.12, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Chia sẻ với Lao Động về lần đầu tiên Hội nghị Đối ngoại toàn quốc được tổ chức, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định, sự kiện nhằm đáp ứng nhu cầu khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Ngày 14.12, lần đầu tiên Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đối ngoại. Điều này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?

- Đối với bất kỳ quốc gia nào, hoạt động đối ngoại luôn đóng vai trò hết sức quan trọng; riêng đối với nước ta, tầm quan trọng của nó càng lớn. Chẳng thế mà Bác Hồ đã kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; vấn đề Việt Nam và cả các vấn đề Lào, Campuchia đã từng diễn ra tới 4 hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn; đó là các hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954, về Lào năm 1961, về Việt Nam 1968 - 1973 và về Campuchia năm 1991 ở Paris.

Nếu như trước kia hoạt động ngoại giao thường do các nhà lãnh đạo Đảng - Nhà nước và các nhà ngoại giao chuyên nghiệp tiến hành thì ngày nay, khi nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài thì có thể nói “ngành ngành làm ngoại giao; các tỉnh thành đều làm ngoại giao, thậm chí người người đều làm ngoại giao”. Có lẽ vì vậy mà Bộ Chính trị quyết định tiến hành hội nghị toàn quốc với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến hàng mấy chục đầu cầu. 

Ông kỳ vọng những điểm mới nào sẽ được nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại này để chỉ đạo công tác đối ngoại trong thời gian tới, qua đó phát huy vai trò định hướng dẫn dắt của Đảng trong nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam?

- Tôi cho rằng, hội nghị sẽ bàn chuyện triển khai các nội dung đối ngoại nêu trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng để làm sao phục vụ đắc lực cho mục tiêu đưa nước ta thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển vào năm 2045 - khi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 tuổi.

Đối ngoại góp phần phát triển kinh tế đất nước thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Ông đã từng phụ trách kinh tế đối ngoại Việt Nam, có công lớn trong đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam gia nhập WTO. Từ thời ông làm đến nay, đường lối đối ngoại phục vụ kinh tế của Việt Nam có điểm gì giống và khác gì, thưa ông?

- Ngoại giao vốn là khoa học và nghệ thuật điều hành quan hệ quốc tế nhằm phục vụ cho 3 mục tiêu chủ yếu là bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của nước mình. Ba mục tiêu ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, còn trình tự ưu tiên sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của từng nước, từng thời kỳ.

Từ khi nước ta triển khai công cuộc đổi mới về mọi mặt, phát triển KT-XH luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, do đó “ngoại giao kinh tế” cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ đối ngoại song hành với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa.

Trong những năm đầu sau khi đường lối đổi mới được triển khai thì ngoại giao tập trung vào nhiệm vụ đẩy lui chính sách bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị đối với nước ta, từng bước mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại thông qua các kênh song phương và đa phương. Từ năm 1995, Việt Nam bắt đầu hội nhập vào nền kinh tế khu vực Đông Nam Á với việc tham gia ASEAN và Khu vực mậu dịch tự do AFTA, tiếp đó tiến lên đàm phán và ký kết các thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do (FTA) với nhiều nước khác.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết tới 15 thỏa thuận loại này và trở thành quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới. Nhờ vậy mà kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã lên trên tới 281,5 tỉ USD vào năm 2020, tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài lên tới 384 tỉ USD. Năm nay, dù dịch bệnh diễn biến rất nghiêm trọng song cả xuất khẩu lẫn đầu tư đều tăng. Đằng sau những con số ấy là hàng triệu công ăn việc làm. 

Nói một cách hình ảnh thì những năm đầu thời kỳ đổi mới chúng ta đi bộ, nay chúng ta đã đi “xế hộp” rồi! Nói vậy chứ xe sang vẫn có những chi tiết trục trặc như “gien ngoại” trong cả xuất khẩu lẫn đầu tư quá đậm, “gien nội” vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà Bác Hồ từng dặn: "Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chuông, ngoại giao là cái tiếng, chuông có to, tiếng mới lớn. Nếu ta chưa xây dựng được nội lực đủ mạnh thì những cái thu về nhờ hội nhập sẽ không như mong muốn. Hy vọng rằng, hội nghị sẽ bàn thảo kỹ và tìm ra phương cách chỉnh sửa những trục trặc hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn