MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ảnh: Xuân Hải

Nhận diện những biểu hiện “tham vọng quyền lực” để sàng lọc cán bộ

Vương Trần LDO | 13/05/2020 09:53
Năm 2020, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào đầu năm 2021. Trong đó, công tác nhân sự trước thềm Đại hội được nhiều người đặc biệt quan tâm.

Kiên quyết không chọn những người cơ hội, tham vọng quyền lực

Từ ngày 11-14.5 tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khoá XII cũng trình, bàn các phương án chuẩn bị nhân sự  khoá XIII.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu; không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực... Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền...

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thời gian vừa qua, Đảng ta cũng đã ban hành nhiều các quy định, quy trình về công tác cán bộ để lựa chọn, sàng lọc cán bộ được tốt nhất.

Trong các phát biểu của lãnh Đảng cũng nhấn mạnh chọn những người có đủ đức đủ tài, vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm, chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng và không có những biểu hiện về tham vọng quyền lực. Chủ trương của Đảng nhận được nhiều sự đồng tình của người dân và dư luận. Điều quan trọng là việc triển khai những chủ trương, quy định của Đảng vào thực tế như thế nào cho hiệu quả.

Nêu những biểu hiện nhận diện về tham vọng quyền lực, ông Lê Như Tiến cho rằng, những biểu hiện này thường gắn với việc chạy chức, chạy quyền. Những biểu hiện này cần được phát hiện, sàng lọc để không chọn nhầm cán bộ. Những biểu hiện về tham vọng quyền lực như có những cán bộ “chạy bằng được”, chạy ở nhiều cấp, từ cấp phòng, cấp vụ rồi lên cấp trung ương.

“Những người có tham vọng quyền lực thì thường tìm mọi cách để vào vị trí đó, cái ghế quyền lực đó. Khi đó, người ta thường không ngại thủ đoạn nào, kể cả dùng tiền, dùng mỹ nhân kế, thu vén về cá nhân mình, tập hợp những người cùng ê-kip với mình, bè phái, cục bộ, địa phương chủ nghĩa….Một biểu hiện tham vọng quyền lực khác đó là cài cắm những người thân quen, phe cánh để ủng hộ cho mình, lật đổ người khác” – ông Tiến nói và cho biết, những trường hợp tham vọng quyền lực dẫn tới tham nhũng quyền lực sẽ gây hậu quả rất lớn và cần phải được sớm phát hiện.

Thận trọng để tránh sai lầm trong công tác cán bộ

Đồng quan điểm, ông Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho hay, các dấu hiệu để nhận diện tham vọng quyền lực thường gắn với các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền như chạy bằng cấp, chạy phiếu bầu, luồn cúi, tìm mọi cách để vào được các cấp uỷ, các chức vụ, các vị trí để từ đó trục lợi. Đó là tham vọng quyền lực để trục lợi, để tham nhũng. Nhưng cũng có một kiểu tham vọng quyền lực khác nguy hiểm hơn đó chính là tham vọng quyền lực để chuyển hoá chế độ, thay đổi thể chế chính trị.

“Trục lợi về kinh tế và có cả những tham vọng quyền lực để thay đổi bản chất chế độ là điều hết sức nguy hiểm” – ông Quát nhận định.

Theo ông Quát, từ khoá XI, khoá XII, Đảng ta đã đưa ra một loạt các quy định, quy trình về công tác cán bộ, về lấy phiếu tín nhiệm, các quy định khác để ngày càng hoàn thiện hơn công tác cán bộ. Qua đó thẩm tra, sàng lọc, lựa chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu, lựa chọn. Việc quan trọng là thực hiện những quy định này trong thực tiễn, tránh những sai lầm trong công tác cán bộ. Có tiêu chuẩn nhưng làm thế nào để nhận diện và sàng lọc được cán bộ thì đó mới là điều khó.

Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “khó trăm lần dân liệu cũng xong”, ông Đào Duy Quát cho rằng, trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng đã nhấn mạnh tinh thần này “cứ hỏi dân, dân biết hết”. Do đó, công tác cán bộ phải được công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và giám sát. Cùng với đó khi quy hoạch và lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự thì cần các kênh giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội…

Đồng thời, thông qua các cơ quan kiểm tra, cơ quan thanh tra, uỷ ban kiểm tra các cấp cũng phải rà soát, phát hiện xem cán bộ có đủ các tiêu chuẩn không.

“Nếu có phát hiện những tì vết sẽ sàng lọc, tránh những việc mua chức, mua quyền. Đặc biệt là những cán bộ vào cấp cao có những biểu hiện tham nhũng, phe cánh, cục bộ, lợi ích nhóm” – ông Quát nêu. Đồng thời, ông cho rằng, chính trong các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh thì mới có thể làm tốt việc này.

Gắn chặt trách nhiệm người giới thiệu với nhân sự được lựa chọn

Một giải pháp được ông Lê Như Tiến nêu ra đó là cần gắn chặt trách nhiệm người giới thiệu nhân sự với nhân sự được lựa chọn. Cùng với đó cần phải công khai minh bạch nhân sự tại nơi cư trú và nơi công tác. Đó chính là phương pháp lấy ý kiến nhân dân để phát hiện cán bộ, nhân sự trong diện quy hoạch như thế nào, tài sản ra sao, có trung thực hay không… Mặt khác, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để nắm rõ về công tác cán bộ.

“Người ở vị trí thấp, không có năng lực nhưng lại có nhiều thủ đoạn, luồn cúi để leo cao. Đó cũng chính là một biểu hiện của tham vọng quyền lực. Do vậy công tác cán bộ cần phải hết sức chú ý việc này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn