MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại tổ. Ảnh: Phạm Đông

Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của quy hoạch

NHÓM PV LDO | 06/01/2023 12:07
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc quy hoạch chiến lược kéo dài gần 30 năm cần lưu ý yếu tố về quy hoạch khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu để quyết định thành công của quy hoạch chiến lược và thực hiện các kịch bản tăng trưởng.

Thể chế phải đi cùng với sự phát triển

Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 6.1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu ý kiến tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc quy hoạch chiến lược kéo dài gần 30 năm cần lưu ý yếu tố về quy hoạch khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu để quyết định thành công của quy hoạch chiến lược và thực hiện các kịch bản tăng trưởng.

Chủ tịch nước lưu ý yêu cầu của quy hoạch là phải giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn con người, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ tịch nước đề nghị cần tiết giảm chi phí, nguồn lực trong thực hiện quy hoạch; phải có hành lang phát triển mới, đậm nét hơn, nhất là hành lang kinh tế Đông – Tây.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Đông

Chủ tịch nước cũng lưu ý thể chế phải đi cùng với sự phát triển; quan tâm phát triển đô thị trung tâm như Hà Nội, TPHCM thành các cực tăng trưởng của đất nước.

Đồng thời, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc chưa quy định cụ thể phương pháp tích hợp các hợp phần trong quy hoạch quốc gia tích hợp nội dung trong quy hoạch tỉnh, thành phố, chưa có hướng dẫn về bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu tích hợp gây khó khăn cho địa phương.

Do đó đề nghị, Chính phủ cần quy định cụ thể để tháo gỡ cho địa phương, trong đó Chính phủ cần ban hành Nghị định cụ thể làm rõ bước đi, cách làm, tránh phức tạp trong quá trình thực hiện quy hoạch tích hợp.

Khẳng định giữ gìn văn hóa dân tộc để bảo đảm phát triển bền vững, trên tinh thần “văn hóa còn, đất nước còn”, Chủ tịch nước cho rằng đây là thời kỳ dài, hội nhập sâu thì văn hóa dân tộc cần phải giữ gìn hơn nữa trong quá trình phát triển. Từ đó bảo đảm quy hoạch tổng thể quốc gia toàn diện trong tổ chức thực hiện.

Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lưu ý, quy hoạch đang xây dựng có giai đoạn 2030 - 2050, nên tình trạng quy hoạch “treo” là vấn đề đặt ra.

Do đó, ông cho rằng xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch. 

“Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân” - ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phạm Đông

Thêm nữa, ông nói chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam.

“Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn” - ông Ngân nói. 

Với vấn đề thể chế để thực hiện quy hoạch, do nguồn lực đầu tư công là có hạn, nên thay vì đầu tư dàn trải trước đây cần phải chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Gắn với đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực này trong xã hội… 

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Phạm Đông

Nhắc tới quy hoạch quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là "quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó và chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia".

Cụ thể, các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào?...Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.

Đại biểu cũng cho rằng, trong Quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì, ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn