MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhật-Việt chung chí hướng về thị trường tự do công bằng ở Châu Á-Thái Bình Dương

VÂN ANH (thực hiện) LDO | 02/11/2017 09:18

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio (ảnh) đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc dẫn dắt hợp tác ở Châu Á - Thái Bình Dương để thực hiện hội nhập kinh tế khu vực, khẳng định Nhật Bản luôn nhất quán coi trọng APEC và sẽ cùng với Việt Nam, quốc gia chung chí hướng, góp phần vào việc mở rộng thị trường tự do công bằng cho toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Thưa Đại sứ, với tư cách là một nền kinh tế thành viên đi tiên phong cho tự do hóa thương mại, ông cho rằng Nhật Bản sẽ đóng góp như thế nào cho các nỗ lực mở rộng thị trường tự do và công bằng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương?

- Kể từ khi thành lập vào năm 1989, APEC đã đạt được những thành quả to lớn trong các lĩnh vực, trong đó phải kể đến tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hội nhập kinh tế khu vực. Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đang gia tăng, thách thức chung của các thành viên tham gia APEC là làm thế nào để mọi người dân đều có thể được hưởng lợi ích đó. Vì điều này, cần phải mở rộng thị trường mở cửa tự do và công bằng dựa theo quy tắc.

Năm 1994, diễn đàn APEC đã đặt ra mục tiêu là đạt được tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2020. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với các hoạt động thương mại bóp méo thị trường và giữ vai trò đi đầu trong nền thương mại tự do. Là một trong những thành viên sáng lập của APEC, Nhật Bản luôn nhất quán coi trọng APEC và sẽ cùng với Việt Nam, quốc gia chung chí hướng, góp phần vào việc mở rộng thị trường tự do công bằng cho toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đại sứ có nhận xét gì về những cơ hội và thách thức của APEC trong bối cảnh thế giới hiện tại?

- Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có khả năng phát triển hơn nữa nhìn từ xu hướng dân số và quy mô thị trường. Trong thời gian tới, nếu APEC tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do, xúc tiến hội nhập kinh tế khu vực và duy trì tăng trưởng thì APEC sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với kinh tế thế giới.

Ngoài ra, APEC cũng có đặc trưng liên quan đến doanh nghiệp. Diễn đàn này đang tổ chức đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp, trong đó có mời nhiều đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tham dự để lắng nghe về những vấn đề của doanh nghiệp. Ngoài ra, một đặc trưng lớn của APEC là trong diễn đàn bao gồm hệ thống lắng nghe ý kiến trực tiếp của các doanh nghiệp tiêu biểu, như cuộc đối thoại giữa lãnh đạo APEC và hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), và phản ánh các ý kiến này vào công tác xây dựng dự thảo chính sách.

Mặt khác, APEC sắp kỷ niệm gần 30 năm thành lập, và diễn đàn này đang thảo luận về cách thức của APEC với vai trò của một tổ chức. Ngoài ra, diễn đàn này cần phải xem xét về tầm nhìn trung và dài hạn, đồng thời cần đẩy nhanh các hoạt động liên quan để hoàn tất mục tiêu Bogor vào năm 2020. Trên quan điểm thực chất như vậy, với vai trò là một tổ chức, diễn đàn cần phải thảo luận sâu rộng về phương hướng của APEC trong thời gian tới.

Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam là nước chủ nhà APEC 2017?

- Sau khi gia nhập APEC vào năm 1998, cách đây 11 năm Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ nhà tổ chức APEC vào năm 2006 và tiếp tục đảm nhận vai trò này lần thứ hai vào năm nay. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nâng cao tầm ảnh hưởng trong cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam có sự phát triển kinh tế vững chắc với tình hình chính trị trong nước ổn định. Nhật Bản đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc dẫn dắt hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để thực hiện hội nhập kinh tế khu vực và chiến lược tăng trưởng thông qua tự do hóa thương mại và đầu tư.

Được biết Nhật Bản sẽ có những hoạt động văn hóa trong Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về những sự kiện này?

- Nhân tuần lễ cấp cao APEC, Nhật Bản đã trao tặng tác phẩm của nhà điêu khắc chuyên về chất liệu đá Kinutani Kota cho công viên APEC bên bờ sông Hàn, thành phố Đà Nẵng. Tác phẩm của nhà điêu khắc Kinutani Kota có tên gọi là “Sự tỏa sáng của lý trí” với thông điệp nguyện cầu hòa bình cho thế giới.

Cũng tại thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đang tổ chức triển lãm cá nhân của họa sĩ Nhật Bản Toba Mika trong thời gian từ ngày 20.10 đến ngày 12.11. Sau lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1994, họa sĩ Toba Mika đã dành trọn tình yêu cho Việt Nam và không ngừng vẽ về Việt Nam bằng Katazome - phương pháp nhuộm màu truyền thống của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, mô hình Châu Ấn thuyền do chính quyền tỉnh Nagasaki trao tặng dự kiến sẽ được trưng bày tại thành phố Hội An. Tôi hi vọng rằng nhiều đại biểu tham dự APEC và người dân địa phương sẽ tới tham quan chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật này của Nhật Bản.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Ngày 1.11, ông Shinzo Abe được Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản bầu lại làm Thủ tướng sau khi liên minh cầm quyền do đảng Tự do Dân chủ (LDP) của ông dẫn đầu giành thế “siêu đa số” trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 22.10. Ông Shinzo Abe nhậm chức từ tháng 12.2012 với cam kết cải thiện kinh tế và củng cố quốc phòng. Thủ tướng Abe dự kiến tái bổ nhiệm các bộ trưởng trong nội các hiện tại, yêu cầu thiết lập ngân sách bổ sung cho đến ngày 31.3.2018, tập trung vào vấn đề chăm sóc trẻ em và nâng cao năng suất. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản sang tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn