MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích

CAO NGUYÊN LDO | 12/09/2024 16:32

Bên cạnh kết quả đạt được thì việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm, nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích.

Ngày 12.9, tại phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thi hành luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành.

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Mục đích sửa đổi luật nhằm hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại.

Việc sửa đổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, hóa chất đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong phát triển các ngành sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Với mức độ phổ biến rộng khắp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, hóa chất cần được quy định và quản lý chặt chẽ.

Việc sửa đổi Luật Hóa chất đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hóa chất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, việc sửa đổi này khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hóa chất hiện hành.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách, bổ sung số liệu dẫn chứng cụ thể trong báo cáo; bổ sung đánh giá toàn diện về các nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi trong trong thực tế.

Cho ý kiến vào dự án luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự răn đe.

“Một cơ sở sản xuất gây độc hại, phạt 10 triệu, 20 triệu, hay 50 triệu thì không ăn thua. Họ bán ra hàng tỉ, chỉ phạt 50 triệu thì không thấm vào đâu cả” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn