MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Nhiều hoạt động lừa đảo trên mạng nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt

PHẠM ĐÔNG LDO | 06/04/2023 14:19

Với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, thời gian qua rất nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được.

Sáng 6.4, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Thảo luận về dự án luật này, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) khẳng định, đây là đạo luật rất khó nhưng được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, rất nhiều nội dung đại biểu góp ý đã được chỉnh lý, bổ sung.

Theo đại biểu, đây cũng là đạo luật được coi là “Hiến pháp” của chuyển đổi số, bởi chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số đạt được 20% GDP, dự án luật là một trong những nền tảng quan trọng đạt được mục tiêu.

Vì vậy, đại biểu đồng tình với phạm vi điều chỉnh như báo cáo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. 

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, qua rà soát cho thấy có nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, nên cần cân nhắc tính khả thi của những quy định trong dự thảo luật.

Đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để đi vào thực tiễn, đặc biệt là thuận tiện, không phát sinh thủ tục, không phát sinh các chi phí về bộ máy, con người, thiết bị…

Đại biểu quan tâm đến việc bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dự luật này, bởi thực tiễn thời gian qua rất nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được.

Vì vậy, việc rà soát để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng là cần thiết; rà soát hệ thống có bảo đảm an toàn, tránh bị xâm nhập.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: QH

Cùng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm mạng đang lộng hành.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, làm rõ khái niệm “chứng thực” để có sự phân biệt rõ ràng với các trường hợp khác được sử dụng trong các văn bản khác.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, rà soát lại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử để tránh chồng chéo, trùng lặp, nhầm lẫn.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy.

Dự thảo luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để quy định về việc giao dịch điện tử mở rộng. 

Bộ trưởng Hùng cho biết, chế tài xử lý vi phạm sẽ quy định ở Nghị định của Chính phủ. Việc xử lý tranh chấp thì quy định ở pháp luật chuyên ngành. Bộ Thông tin và Truyền thông không cung cấp dịch vụ mà chỉ cấp phép, ban soạn thảo sẽ xem xét lại các điều khoản để không bị hiểu nhầm. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trong thời gian tới, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo.

Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề nếu có, để Chính phủ có ý kiến chính thức báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn