MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lưu ý với cán bộ, công chức, viên chức khi sử dụng mạng xã hội. Ảnh minh hoạ: Thế Lâm

Nhiều ràng buộc cần thiết cho cán bộ công chức, viên chức trong sử dụng mạng xã hội

Phạm Đông LDO | 29/06/2021 14:34

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Một trong số các nhóm đối tượng thuộc điều chỉnh theo bộ quy tắc là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, Bộ Quy tắc ứng xử sẽ tạo ra những “ngưỡng” cần có, để mỗi khi bước vào không gian mạng, người tham gia sẽ phải cân nhắc và chịu trách nhiệm trước những nội dung thông tin đăng tải.

Phát huy vai trò của cán bộ công chức, viên chức trong sử dụng mạng xã hội

Nói về vấn đề này, Thiếu tướng Phan Khắc Hải - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin - cho biết, những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích trong tiếp cận thông tin, tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như những trào lưu mới trên thế giới. Tuy nhiên, song song với nó cũng là những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự. Chính vì vậy, bên cạnh việc phát triển mạng xã hội cần phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng để mạng xã hội thực sự có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ, tác động xấu từ mạng xã hội đến an ninh, trật tự.

Theo ông Hải, khi có những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ tạo ra những ngưỡng, những ràng buộc cần thiết cho cán bộ, công chức và viên chức. Không chỉ báo chí, mạng xã hội cũng cần những dòng chảy chính là những thông tin tích cực, có tính lan toả để đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, của các thế lực phản động. Không chỉ những người dùng là giới trẻ, thời gian qua, với sự phát triển ngày càng rõ ràng của mạng Internet, nhiều đảng viên đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Do đó, cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội không chỉ giúp ích cho bản thân, phục vụ nhu cầu công việc mà còn phải lan tỏa điều đó đến với nhiều người khác, đem lại nhiều điều thiết thực cho cơ quan, địa phương, đơn vị, cho xã hội, cho đất nước.

Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu và chấp hành nghiêm quy định, Luật An ninh mạng, các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước. Mỗi người cần phải thể hiện được mình là người sử dụng thông thái, không lạm dụng mạng xã hội để thể hiện quan điểm phiến diện chủ nghĩa cá nhân. Cần phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời bởi dư luận xã hội được lan truyền theo hướng tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc cung cấp thông tin. Cán bộ, công chức, viên chức phải biết cách dẫn dắt, lôi kéo, biết cách tác động theo đúng phương thức tâm lý xã hội như hướng dẫn, thuyết phục, nêu gương để hình thành dư luận tích cực.

Lan toả những điều tích cực, giá trị nhân văn trên mạng xã hội

Cũng theo Thiếu tướng Phan Khắc Hải, để góp phần giữ gìn hình ảnh, tư cách của mình, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sống, ứng xử ở ngoài đời chuẩn mực như thế nào thì cũng phải giao tiếp, cư xử, tương tác trên mạng xã hội như vậy.

Cán bộ nghỉ hưu hay đương chức cũng như mọi người dân đều có quyền tham gia mạng xã hội, phải có chính kiến rõ ràng, thẳng thắn phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng nhưng phải tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật. Khi tham gia mạng xã hội, mọi cán bộ, đảng viên cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng cần xác lập ý thức và thái độ đúng đắn xây dựng phong cách, văn hóa ứng xử chuẩn mực trên mạng xã hội; coi đó là một nội dung rèn luyện về đạo đức, tác phong, văn hóa ứng xử trong điều kiện mới hiện nay. Nếu mỗi người đều phát huy được vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận trong sử dụng mạng xã hội sẽ là một cách thiết thực để phát huy trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước Đảng, nhân dân.

“Cán bộ, đảng viên cần làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng, quản lý xã hội. Đầu tiên họ phải có bổn phận, đi tiên phong trong việc tạo ra những chuẩn mực đạo đức, pháp lý để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, thúc đẩy những giá trị tiến bộ, văn minh của xã hội. Đồng thời cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động” - ông Hải nhấn mạnh.

Cùng nói về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ đưa ra những điều không được làm, không đưa ra yêu cầu “phải làm”, bởi những điều “phải làm” đã có trong quy chế tuyển dụng cán bộ, viên chức. Trên mạng xã hội mỗi người đều bình đẳng và chịu trách nhiệm cá nhân với những phát ngôn, ứng xử của mình.

Cũng theo vị chuyên gia, giờ đây, trước khi tự đăng tải thông tin hoặc chia sẻ nguồn tin lên mạng xã hội, cán bộ, công chức viên chức cần là người dẫn thông tin có trách nhiệm, suy nghĩ chín chắn, kiểm tra, kiểm chứng tính chính xác của nguồn thông tin. Không những vậy, mỗi người có thái độ tự giác để xây dựng quan điểm, lập trường vững vàng khi tiếp cận thông tin xấu độc, để có phản ứng, hành động phù hợp.

Hơn ai hết mọi cán bộ, đảng viên cần ra sức nêu gương trong đời sống xã hội cũng như trên mạng xã hội. Đồng thời, mỗi người cần cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, những hình ảnh tràn đầy năng lượng tích cực để góp phần làm giàu những giá trị văn hóa trên môi trường mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn