MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: QH.

Nhiều vi phạm qui định về thời hạn công bố kết luận thanh tra

Xuân Hải LDO | 12/10/2017 14:52
Sáng 12.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, dự kiến có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch. Đáng chú ý nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 ước khoảng 6,7%, đạt mục tiêu đề ra.

Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá cao những kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ, nhất là việc lần đầu tiên trong những năm gần đây đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu khó như tăng trưởng, tổng mức đầu tư toàn xã hội và ngay cả vấn đề độ che phủ rừng... Báo cáo cần lý giải yếu tố, điều kiện dẫn đến kết quả trên qua những luận cứ, thực tiễn để trình Quốc hội.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, Chính phủ vừa giải quyết nhiều vấn đề lớn mang tính vĩ mô và cũng quan tâm xử lý nhanh vấn đề cụ thể được dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc, như chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho doanh nghiệp, đóng cửa rừng, chấn chỉnh khai thác cát sỏi, tinh giản biên chế ở một số bộ... Hay với 12 dự án thua lỗ thì Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo, có chương trình, chỉ tiêu, thời hạn để xử lý cụ thể; đẩy mạnh điều tra, tuy tố, xét xử nhiều vụ án lớn.

Đề cập vấn đề thanh kiểm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có nhiều đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về thanh tra chưa nghiêm, nhất là thời hạn công bố kết luận thanh tra vi phạm nhiều, có cuộc vi phạm từ 6 tháng đến 24 tháng.

“Điều đó dẫn đến dư luận bức xúc vì thanh tra rồi thì phải có kết luận, quan điểm thế nào. Kéo dài thì doanh nghiệp không làm ăn được, cá nhân mất uy tín, nghi ngờ lẫn nhau. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát việc chấp hành thời hạn công kết luận thanh tra. Bộ nào chưa thì làm rõ để công bố cho dư luận rõ” – bà Nga nói.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì nhấn mạnh chú ý rà soát và cái gì không đúng thì cần chấn chỉnh để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Và nếu không quan tâm giải quyết triệt để thì còn tiềm ẩn sự phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn