MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến được bàn luận về quy định mức lương cho giáo viên. Ảnh: Huyên Nguyễn

Nhiều ý kiến trái chiều về có thang, bậc lương riêng cho giáo viên

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/02/2019 19:59
Tại Phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 21.2, nhiều đại biểu đã đưa ra những quan điểm trái chiều trước đề xuất có thang, bậc lương riêng cho ngành Giáo dục.

Tạo mức lương cao xứng đáng với đặc điểm nghề nghiệp

Thay mặt Chính phủ trình bày Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Về lương giáo viên (GV), Chính phủ tiếp thu ý kiến dự thảo Luật quy định về lương của nhà giáo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW, cụ thể: “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, Thường trực Ủy ban đã họp lấy ý kiến và cho rằng, xuất phát từ đặc thù nghề của nhà giáo, Dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.

Phương án thứ nhất, quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ có 3 bảng lương.

Phương án thứ hai, quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với ý kiến GV phải có mức lương ưu tiên, có bậc lương tốt. “Chỉ khi nào chúng ta tôn sư trọng đạo thì mới có thể có một nền giáo dục tiên tiến. Mức lương như thế nào cần tuỳ thuộc vào khả năng ngân sách nhưng phải được ưu tiên hơn”, ông Hiển nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (đứng) cho ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến về việc này, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội bày tỏ không nên dùng từ “được ưu tiên sắp xếp thang bảng lương phù hợp”, nếu như vậy thì chẳng có gì ưu tiên. Cần phải sửa lại là “được sắp xếp thang bảng lương ưu tiên”.

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đồng tình với tinh thần chung là tạo cho GV mức lương cao để xứng đáng với đặc điểm nghề nghiệp.

Về những nội dung liên quan đến bảng lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên quy định một thang bảng lương mới cho GV hay đặt quy định về mức phụ cấp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với quan điểm đối với bậc lương cho nhà giáo, phải có ưu đãi để thu hút.

Miễn giảm học phí thế nào là hợp lý?

Một trong những vấn đề nhận được quan tâm tại phiên họp là quy định về chính sách học phí, đặc biệt là quy định miễn học phí và hỗ trợ học phí. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, ở cấp tiểu học, cần có chính sách miễn học phí để thực hiện phổ cập tiểu học. Đối với cấp học THCS thì cần xem xét thêm, Tuy nhiên, nên có chính sách miễn học phí đối với vùng sâu, vùng xa, với người nghèo. Đối với các trường ngoài công lập, nhà nước có chính sách hỗ trợ tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ - ông Hiển bày tỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định rõ hơn, ví dụ ở những nơi mà học sinh không thể học tại trường công lập, buộc phải học trường tư thì Nhà nước hỗ trợ khoản tiền học phí như với trường công. 

Còn các gia đình có điều kiện, cho con học tại các trường tư thục có điều kiện tốt hơn, học phí cao hơn thì gia đình tự chi trả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn