MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thúc đẩy kinh tế Thanh Hoá phát triển vượt bậc. Ảnh: T.L

Những con số biết nói về sự phát triển của Thanh Hoá

Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá LDO | 01/10/2020 16:23
Ngày 2.10, Đại hội Thi đua yêu nước và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tỉnh Thanh Hoá sẽ diễn ra trang trọng tại Hội trường 25B, TP. Thanh Hoá. Trước thềm Đại hội, Lao Động xin trích đăng bài viết của ông Nguyễn Đình Xứng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về những thành tựu quan trọng của Thanh Hoá trong thời gian vừa qua. Tít bài và các tít phụ do Lao Động đặt.

Tốc độ tăng thu ngân sách cao hàng đầu cả nước

Thời gian qua, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nên giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên các lĩnh vực, vai trò, vị thế và uy tín của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao cả trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: Mộc Miên

Kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,5%2; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp như: dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, TH True Milk, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis quy mô 8.000 con/giờ gắn với chuỗi trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao liên kết 4A quy mô 15 triệu con/năm và nhiều cơ sở chăn nuôi lợn công nghệ cao; ngành thủy sản đã đóng mới 1.332 tàu khai thác thủy sản xa bờ; giá trị sản xuất toàn ngành bình quân hàng năm tăng 3%, vượt kế hoạch (2,9%).

Sản xuất công nghiệp tăng đột phá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 21,2%, vượt kế hoạch (18,5%), cao nhất từ trước đến nay; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ; nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp mới đã hoàn thành đi vào hoạt động, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy gang thép Nghi Sơn, các nhà máy xi măng, nhiệt điện... và nhiều dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn đang được triển khai thực hiện, sẽ là đầu tàu, động lực thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn tới.

Tàu quốc tế cập cảng nước sâu Nghi Sơn. Ảnh: X.H

Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 9,1%, vượt kế hoạch (8,9%); lượng khách du lịch bình quân hàng năm tăng 15,6%; vận tải phát triển đa dạng, đã đưa vào hoạt động tuyến vận tải container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội, triển vọng hội nhập, giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế; vận tải hàng không phát triển mạnh, Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được phê duyệt quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng nhanh và khá bền vững, luôn vượt dự toán hàng năm; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 18,1% và là một trong số ít tỉnh, thành phố có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; thu ngân sách năm 2019 đạt 28.900 tỷ đồng và năm 2020 ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015 và đứng thứ 11 cả nước.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc

Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế được tăng cường, từng bước đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Giai đoạn 2016-2020, đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 170.000 tỷ đồng, tương đương 7,4 tỷ USD; tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 và năm 2020, với tổng vốn đầu tư đăng ký 490.000 tỷ đồng, tương đương 21,3 tỷ USD. Công tác vận động và thu hút nguồn vốn ODA đạt kết quả rất tích cực, với 26 dự án (tổng mức đầu tư khoảng 9 nghìn tỷ đồng, tương đương 393,6 triệu USD) đã được ký hiệp định vay vốn. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 610.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015; thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực sản xuất trên địa bàn.

Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; một số dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, cầu Nguyệt Viên, hệ thống cấp nước thô Khu Kinh tế Nghi Sơn, mở rộng đường 513 - Khu Kinh tế Nghi Sơn, Cảng quốc tế Nghi Sơn, hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã, hạ tầng du lịch Sầm Sơn, Quảng Tiến, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái FLC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực,...; đã quyết định chủ trương đầu tư và đang triển khai các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch lớn, kết nối các trung tâm động lực và hình thành các hành lang phát triển mới, như: 96 km đường ven biển nối Ninh Bình, Thanh Hóa với Nghệ An, đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, đường nối Quốc lộ 217, Quốc lộ 45 với Quốc lộ 47, đường nối Khu Công nghiệp Bỉm Sơn với đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa...; cùng với các bộ, ngành Trung ương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn qua Thanh Hóa; chấp thuận chủ trương đầu tư và tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các dự án cảng container, cảng tổng hợp...

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc và là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất của cả nước, với 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 376 xã (đạt tỷ lệ 64,46%, cao hơn bình quân cả nước), 950 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện Quảng Xương đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: T.L

100% văn bản từ cấp xã đến tỉnh được xử lý trên môi trường điện tử

Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa và xã hội hóa. Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn, nổi bật là các hoạt động Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã để lại ấn tượng tốt đẹp và tạo được sức lan tỏa lớn trong xã hội.

Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay; trong 5 năm, học sinh của tỉnh đã đạt 16 huy chương (8 Huy chương Vàng) tại kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực; công tác rà soát, sắp xếp trường lớp học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2020 ước đạt 72,2%, vượt kế hoạch (70%).

Trong 5 năm, đã tạo việc làm mới cho trên 336.000 lao động, vượt kế hoạch (330.000 lao động); công tác giảm nghèo được chỉ đạo bài bản, quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 2,56%, đạt kế hoạch (2,5% trở lên).

Công tác hiện đại hóa nền hành chính được quan tâm. Đến nay, 100% các văn bản, hồ sơ công việc ở cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý trên môi trường điện tử (trừ các văn bản, hồ sơ công việc có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật); phấn đấu đến hết tháng 8-2020, 100% văn bản, hồ sơ công việc từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được xử lý trên môi trường điện tử.

Có thể nói, những thành tựu đạt được trong 5 năm qua của Thanh Hoá là rất lớn và có ý nghĩa quan trọng, tạo thế và lực để Thanh Hóa vững bước đi lên nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn