MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh T.Vương

Những điểm nhấn nổi bật về chính sách đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII

Vương Trần LDO | 13/02/2021 09:24

Trao đổi về những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đã được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, TS Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng trong thời gian tới triển vọng cơ đồ và tương lai phát triển của đất nước ta gắn rất chặt với bối cảnh chiến lược chung ở tầm khu vực và quốc tế.

Sự tự tin và chủ động trong vấn đề đối ngoại

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội XIII, nội dung về đối ngoại, về phần dự báo tình hình cũng như là phần xây dựng đường lối, chính sách được thảo luận, phân tích rất kỹ lưỡng không chỉ trong báo cáo chính trị mà trong các văn kiện khác. Trong Văn kiện của Đại hội XIII cũng như qua quá trình thảo luận của Đại hội thì nổi lên 5 điểm rất nổi bật.

Điểm nổi bật thứ nhất, theo ông Vũ, trong phần dự báo, đánh giá tình hình, Văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện tính toàn diện, biện chứng, nhấn mạnh cả những khía cạnh thời cơ và thách thức trong dự báo tình hình thế giới, khu vực. Như đánh giá về những xu hướng lớn thì vừa có tính khái quát cao, thể hiện cụ thể cả hai mặt thách thức và cơ hội. Ví dụ như xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển vẫn được duy trì. Tuy nhiên, sẽ có những thách thức, trở ngại trong toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong vấn đề kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng và có thể suy thoái kéo dài; đồng thời cũng nhấn mạnh những vận hội và cơ hội rất quan trọng từ cách mạng công nghiệp 4.0, trong quá trình chuyển đổi số…

Điểm mới thứ hai theo TS Nguyễn Minh Vũ, trong Văn kiện Đại hội XIII, vị thế và vai trò của đối ngoại được đề cao trong triển khai các mục tiêu phát triển của đất nước. Văn kiện nêu rõ, đối ngoại phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia và đối ngoại.

Điểm thứ ba, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phân tích đó là tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác phát triển độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Ở đây cho thấy một sự tự tin và sự chủ động trong việc đóng góp vào các vấn đề quốc tế. Đồng thời cũng khẳng định việc bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.

“Như vậy, chúng ta theo đuổi lợi ích quốc gia, dân tộc không phải là theo góc độ chủ nghĩa dân tộc, vị kỷ mà trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, được coi là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất của toàn cầu và bình đẳng cùng có lợi” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhắc tới điểm nổi bật thứ tư đó là, trong văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Đây là một điểm rất mới trong văn kiện Đại hội lần này. Ngoại giao toàn diện dựa trên ba trụ cột: đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân và nhấn mạnh đến sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ba trụ cột đó. Toàn diện không chỉ là về chủ thể đó mà toàn diện cả về hình thức và lĩnh vực, ví dụ như ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và cả về đối tượng thúc đẩy quan hệ. Tính hiện đại của ngoại giao thể hiện là mong muốn nâng tầm tính hiện đại ngoại giao về phương thức triển khai và bộ máy, kể cả con người làm công tác đối ngoại.

Điểm nổi bật thứ năm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhắc tới đó là trong Văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường quan hệ song phương, tăng cường sự đan xen lợi ích với các đối tác, đặc biệt là các đối tác nước láng giềng, các nước, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, đặc biệt là những đối tác toàn diện và chiến lược cũng như nâng tầm đối ngoại đa phương. Nâng tầm đối ngoại đa phương và trong đó nhấn mạnh việc cần phải tham gia vào quá trình xây dựng, định hình các thể chế và trật tự kinh tế - xã hội.

“Chúng tôi cho rằng đây là một điểm mới và nó thể hiện sự phát triển mặt lý luận của Đảng ta, đề cao vai trò của đối ngoại đa phương trên cơ sở là những thành tựu đối ngoại đa phương của chúng ta trong thời gian qua cũng như tầm quan trọng của đối ngoại đa phương đối với Việt Nam trong việc mở rộng không gian phát triển của đất nước, nâng cao vị thế đất nước, cũng như góp phần vào giải quyết các vấn đề toàn cầu của nhân loại” - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn