MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư trao đổi cùng PV Báo Lao Động. Ảnh: Ái Vân

Những góp ý có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân phải tiếp thu tối đa

vương trần LDO | 21/11/2020 14:08
Các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sau khi được công bố ngày 20.10 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước. GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư - khẳng định, thông qua việc lấy ý kiến nhân dân sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện, thể hiện được “ý Đảng, lòng dân”. Những điểm gì nhân dân đóng góp hợp lý, có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân thì phải tiếp thu tối đa.

Việc tổ chức lấy ý kiến công phu, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Túc - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ý nghĩa; thể hiện tinh thần dân chủ nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy trách nhiệm các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.

“Có thể thấy, đây là lần xin ý kiến nhân dân rộng rãi nhất vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trên tinh thần dân chủ, tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đảng viên, nhân dân” - ông Túc nói.

Theo PGS-TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, với vai trò là cơ quan trực tiếp biên soạn dự thảo văn kiện, các thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương thường xuyên theo dõi những ý kiến đóng góp để đối chiếu, tiếp thu, làm sao để dự thảo văn kiện được hoàn thiện với chất lượng như mong muốn.

Theo ông Linh, Dự thảo văn kiện lần này được đưa ra vào thời điểm có nhiều dấu ấn quan trọng, vì vậy sự quan tâm, chờ đợi của nhân dân là rất lớn. Trong suốt thời gian từ khi dự thảo văn kiện được công bố, có thể nói rất nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến khác nhau cho dự thảo văn kiện. Việc lấy ý kiến được tổ chức rất công phu, có những nơi, những lĩnh vực, ban tổ chức đã nghiên cứu trước các nội dung liên quan đến mảng của mình được đề cập trong dự thảo để gợi ý cho các thành viên góp ý.

“Từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, có thể có những ý kiến riêng, đấy cũng là điều cần thiết để nghiên cứu, chắt lọc và tổng hợp lại trên nền cơ bản để tiếp thu được hiệu quả” - ông Linh cho biết.

Tôn trọng, lắng nghe nhân dân

Là thành viên Ban soạn thảo dự thảo các văn kiện, GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, thông qua việc lấy ý kiến nhân dân sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện, thể hiện được “ý Đảng, lòng dân”. Những điểm gì nhân dân đóng góp hợp lý, có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân thì phải tiếp thu tối đa. Từ thực tiễn của mình, nhân dân góp ý thì cần phải bổ sung, điều chỉnh, tiếp thu.

Theo ông Phú, hiện nay các nơi đang tổng hợp ý kiến góp ý để chuyển về cho các tiểu ban và tổ biên tập. Sau đó tổ biên tập sẽ tiếp thu để hoàn thiện bản thảo sau đó trình lại Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Tiếp đến, Trung ương và Bộ Chính trị cho ý kiến lần nữa mới báo cáo với Đại hội.

“Đây là lần lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi nhất của nhân dân. Quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực” - ông Phú nói.

Qua gần 1 tháng góp ý, đa số các ý kiến nhân dân thống nhất đánh giá các Dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu, tổng kết thực tiễn sâu sắc. Trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn qua 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh Xây dựng đất nước, các dự thảo báo cáo đã thể hiện nhiều điểm mới, nhiều nhận định sâu sắc, phản ánh tư duy, tầm nhìn mới, nhìn xa, trông rộng.

Báo cáo chính trị đề cập những vấn đề cơ bản, then chốt nhất liên quan đến vận mệnh và tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc, qua đó khẳng định vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng của Đại hội Đảng lần này.

Nhiều ý kiến nhân dân bày tỏ đồng thuận khi dự thảo Văn kiện bổ sung thành tố “dân hưởng thụ” trong nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn