MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh quochoi.vn

Những tội nào không được đặc xá?

NGUYÊN - HÙNG - TRUNG LDO | 07/11/2018 10:04
Góp ý về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có ý kiến đề nghị không đặc xá đối với người bị kết án về các tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, hiếp dâm trẻ em, chống phá cơ sở giam giữ và một số tội phạm khác trong BLHS.

Sáng 7.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). 

Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch Nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Về các trường hợp không được đề nghị đặc xá (Điều 12 của dự thảo Luật). Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, không đề nghị đặc xá đối với người “trước đó đã được đặc xá” hoặc “có từ 2 tiền án trở lên”.

Bà Lê Thị Nga cho rằng, Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp “Trước đó đã được đặc xá” hoặc “Có từ 2 tiền án trở lên”. Quy định này là phù hợp, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 12 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không đặc xá với người chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức; người dùng thủ đoạn xảo quyệt phạm tội; người mà trong quá trình điều tra đã phải ra quyết định truy nã; người đồng thời phạm 2 tội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, theo đó, quy định các trường hợp không được đề nghị đặc xá không dựa trên các tiêu chí về: Vai trò của người phạm tội trong vụ án, thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng khi gây án, thái độ chấp hành pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo bà Nga, tổng kết thực tiễn cho thấy, nhiều đối tượng thuộc các trường hợp này trong quá trình chấp hành án đã ăn năn hối cải, cố gắng cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

"Nếu quy định không đề nghị đặc xá với các đối tượng này sẽ thu hẹp đối tượng đặc xá so với Luật hiện hành, làm mất đi động lực để họ phấn đấu, cải tạo tốt, đồng thời cũng không phù hợp với chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước ta từ nhiều năm qua", bà Nga cho hay.

Chính vì vậy, UBTVQH đề nghị không bổ sung các trường hợp nêu trên vào các trường hợp không được đề nghị đặc xá tại Điều 12 của dự thảo Luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn