MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những trường hợp nào được tham gia vào tổ phụ trách bầu cử?

PHẠM ĐÔNG LDO | 06/05/2021 15:58
Các trường hợp có thể tham gia phụ trách tổ bầu cử đã được quy định rõ Luật bầu cử bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Đối với các địa phương hải đảo, không có đơn vị hành chính cấp xã thì việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương do UBND cấp huyện sau khi thống nhất với Thường trực HĐND (nếu có) với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định cơ cấu, thành phần của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương mình quản lý.

Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND diễn ra vào ngày 23.5. Ảnh: V.Đ

Bên cạnh đó, đối với đơn vị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì vẫn thành lập Ban bầu cử và Tổ bầu cử riêng. Những thành viên Ban bầu cử có thể tham gia làm thành viên Tổ bầu cử.

Ngoài ra, đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng do Ban Chỉ huy đơn vị quyết định. Trong trường hợp một đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì chỉ huy đơn vị trao đổi với UBND cấp huyện nơi đóng quân, đề nghị chỉ định UBND một trong các đơn vị hành chính cấp xã phối hợp thực hiện việc lập danh sách cử tri, phát thẻ cho cử tri tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Luật sư Nghĩa cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử.

Trong luật đã quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.

Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử ra quyết định xóa tên người đó khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.

Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử so với số lượng ghi trong quyết định thành lập thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình trước ngày bầu cử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn