MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ Lê Kim Toàn bên bức ảnh chụp chung với Chủ tịch Nước Trần Đại Quang. Ảnh: NT

Ninh Bình: Người dân Quang Thiện đau buồn khi biết tin Chủ tịch Nước Trần Đại Quang từ trần

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 23/09/2018 07:05

Tin Chủ tịch Nước Trần Đại Quang từ trần đã khiến cả vùng quê xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - nơi Chủ tịch Nước sinh ra và lớn lên - vô cùng đau buồn.

Chủ tịch Nước sinh ra và lớn lên tại xóm 13, xã Quang Thiện, trong gia đình có 6 anh chị em. Thời nhỏ, Chủ tịch Nước có tuổi thơ rất khó khăn, bố mất sớm, nhà nghèo nên mình mẹ làm nhiều nghề để nuôi các con. Từ bé, Chủ tịch Nước rất thông minh, ham học, được nhiều bạn bè, hàng xóm cùng trang lứa nể phục.

Ông Cao Hoàng Đản (SN 1955, xóm phó, công an viên xóm 13, xã Quang Thiện) đau buồn khi hay Chủ tịch Nước Trần Đại Quang qua đời. Ảnh: NT

Khi hay tin Chủ tịch Nước Trần Đại Quang qua đời, người dân xóm 13, xã Quang Thiện ai cũng bất ngờ. Ông Cao Hoàng Đản (SN 1955, xóm phó, công an viên xóm 13), ở gần nhà nơi Chủ tịch Nước sinh ra, rất bàng hoàng và đau buồn: “Khi nghe tin trên tivi, tôi rất bất ngờ, không tin đó là sự thật. Tối hôm trước (19.9), vợ chồng tôi xem thời sự, thấy Chủ tịch Nước vẫn làm việc bình thường. Vậy mà...”.

Cũng theo ông Đản, ngày nhỏ, Chủ tịch Nước có một tuổi thơ vất vả, một buổi đi học, một buổi đi chăn trâu, cắt cỏ giống bao bạn bè cùng trang lứa. “Từ cấp 1 đến cấp 3, Chủ tịch Nước đều học ở quê nhà, ngày nhỏ anh em đi chăn trâu, chăn bò, chơi đùa với nhau suốt ngày. Sau này, ông làm tới chức Bộ trưởng Bộ Công an rồi Chủ tịch Nước, chúng tôi rất tự hào” - ông Đản kể.

Người dân xã Quang Thiện đau buồn khi nghe tin Chủ tịch Nước Trần Đại Quang từ trần. Ảnh: NT

Chung tâm trạng đau buồn khi hay tin người thân trong nhà, người con của quê hương Quang Thiện qua đời, ông Đinh Dung (SN 1964, xóm 13) – người gọi Chủ tịch Nước Trần Đại Quang bằng chú rất đau buồn. Ông Dung cho biết, thời nhỏ, Chủ tịch Nước học cùng với anh trai ruột Đinh Văn Hùng (người đã hy sinh năm 1979 ở biên giới phía Bắc).

“Thời đó, chú Trần Đại Quang rất ham học, thường đi bộ tới trường vài km để học. Lúc đó học ở dưới hầm chứ chưa có trường lớp như bây giờ, vì máy bay Mỹ bắn phá suốt. Chú là người hiền lành, nhu mì, chịu khó học hành, không mất lòng ai cả. Sau này đi ra làm việc lớn, mỗi dịp về quê, chú vẫn thường hỏi thăm anh em, bà con đời sống kinh tế thế nào, có khó khăn không.

Giờ hay tin tôi rất buồn, vì tuổi cũng chưa cao nhưng chú đã sớm về với tiên tổ. Chúng tôi mong chú luôn mạnh khỏe để phục vụ quê hương đất nước, giờ hay tin cũng không biết nói gì, buồn lắm”- ông Dung chia sẻ.

Khi hay tin Chủ tịch Nước từ trần, cụ Lê Kim Toàn (SN 1938, ngụ thôn Hồi Thuần, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn), thầy giáo chủ nhiệm của Chủ tịch Nước thời học cấp 3 tại Trường THPT Kim Sơn B buồn rầu: “Gia đình tôi có nhận được một số cuộc điện thoại thông tin Chủ tịch Nước từ trần. Lúc đó vợ chồng tôi không dám tin, vì chưa xem được thông tin trên tivi. Giờ thì tôi cảm thấy buồn và hụt hẫng vô cùng”.

Người dân xã Quang Thiện tập trung dọc hai bên đường dẫn vào nhà Chủ tịch Nước Trần Đại Quang tại xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Ảnh: NT

Cũng theo cụ Toàn, thời đi học, Chủ tịch Nước rất vất vả do bố mất sớm. Nhưng Chủ tịch Nước là người ham học, thông minh và có chí tiến thủ. “Lớp tôi chủ nhiệm thời đó, Trần Đại Quang là người hiếu học, tài giỏi và tôi tin sau này sẽ có sự nghiệp lớn. Niềm tin đó của tôi đã đúng. Hôm nay hay tin, tôi rất đau buồn, đến giờ vẫn không tin đó là sự thật”- cụ Toàn cho hay. Cụ Toàn dạy cả 6 anh em trong gia đình Chủ tịch Nước.

“Gia đình Chủ tịch Nước quý và xem gia đình tôi như người thân trong nhà. Năm nào ngày giỗ bố, Chủ tịch Nước cũng về và có mời gia đình tôi. Năm 2015, chồng tôi bị bệnh rất nặng, dù lúc đó bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Nước vẫn chu đáo lo cho sức khỏe của chồng tôi”- cụ Trần Thị Kim Liên, vợ cụ Toàn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn