MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo khái quát nhiều kết quả về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN

Nỗ lực đạt tăng trưởng GDP trên 5%, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ

PHẠM ĐÔNG - THÙY LINH LDO | 08/11/2023 11:44

Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 8.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình trước Quốc hội trước khi trả lời chất vấn, trong đó khái quát nhiều kết quả về tình hình kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, trong tháng 10, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ (51,34%), số tuyệt đối cao hơn 104 nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung…

Trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo.

Trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ.

Đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Chính phủ cũng nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Toàn cảnh phiên họp sáng 8.11. Ảnh: Phạm Đông

Xử lý nghiêm cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Về rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhấn mạnh việc này đã được triển khai từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng nói tới đây sẽ tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền, ban hành kịp thời chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận thực tế một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Chỉ ra nguyên nhân, bên cạnh yếu tố khách quan, Thủ tướng nhận định do kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi chưa thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thực sự vì lợi ích chung.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Cùng với việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn