MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh: TL

“Nợ nước non”- Thơ ấu và quyết định lịch sử kỳ vĩ của Nguyễn Tất Thành

Hiền Hương LDO | 19/05/2022 15:30

Tiểu thuyết “Nợ nước non” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tái hiện lại thơ ấu và hành trình tuổi trẻ của chàng trai Nguyễn Tất Thành giữa một thời đại đầy biến động của lịch sử.

Tiểu thuyết “Nợ nước non’’ nằm trong bộ tiểu thuyết 3 tập mang tên ''Nước non vạn dặm’’ của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Nợ nước non” viết về thời thơ ấu và một phần tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên trong gia đình hiếu học ở Nam Đàn, Nghệ An.

Trải qua nhiều biến động của gia đình và thời đại, cậu bé Nguyễn Sinh Cung và sau này là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi đến những quyết định mang tính lịch sử.

Thời thơ ấu giữa biến động lịch sử

Tiểu thuyết “Nợ nước non” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tập trung viết về hành trình từ thơ ấu đến khi Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) lên tàu viễn dương Năm Sao trong chuyến đi viết lại lịch sử dân tộc.

Tiểu thuyết mở đầu khi Văn Ba bắt đầu công việc đầu bếp trên tàu Năm Sao, khi con tàu dần rời xa đất mẹ. Cảm nhận quê hương xa khuất trong tầm nhìn khiến Văn Ba đau đáu. Anh ra đi để lại sau lưng quê nhà đang lầm than trong những biến cố lịch sử.

Tàu rời xa bao nhiêu, Văn Ba cảm nhận như nỗi “đứt lìa” về khoảng cách, về chiều sâu không gian, về trăm mối cảm xúc chất chồng, về nỗi nhớ, và sự vời vợi về thời gian, không biết khi nào gặp lại.

Ký ức ùa về khi Văn Ba đứng trên tàu Năm Sao rời đất mẹ, đó là thơ ấu bên gia đình, là đầy ắp những kỷ niệm về ông bà ngoại, về cha mẹ, về anh chị em, về những biến động đã trải qua giữa cơn lốc lịch sử.

Những chương đầu “Nợ nước non” tái hiện thơ ấu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ dòng ký ức, trí nhớ và sự hồi tưởng của Văn Ba khi đứng trên tàu.

Cuốn tiểu thuyết “Nợ nước non” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Hào Hoa

Nguyễn Sinh Cung lớn lên trong gia đình nghèo ở Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An). Cậu bé được dưỡng dục trong tình yêu thương vô bờ của ông bà ngoại, của bố mẹ và anh chị. Thơ ấu của Nguyễn Sinh Cung mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng cũng đầy dấu ấn giữa những biến thiên lịch sử của những năm 1900 – 1911.

Dựa trên tài liệu và khung sườn lịch sử đã có, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ không chỉ thể hiện sự trân quý với nhân vật lịch sử còn bồi đắp cho câu chuyện những chi tiết giản dị, đời thường, cách đối thoại nhiều tâm tư, trắc ẩn.

Nhân vật Nguyễn Sinh Cung được xây dựng trên nền tảng văn hóa, bản sắc quê hương, và trong tình yêu thương của gia đình. Ai cũng có thể bắt gặp chính thơ ấu của mình, sở thích của mình trong câu chuyện của Nguyễn Sinh Cung, nhưng từ nét thân quen, thân thuộc ấy, cũng thấy sự kỳ vĩ trong thơ ấu của Nguyễn Sinh Cung.

Hành trình Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đi bộ từ quê nhà Nam Đàn (Nghệ An) đến kinh thành Huế đầy ắp kỷ niệm. Cuộc sống của gia đình nghèo ấy ở Huế đi qua biến thiên, thay đổi. Sự nghèo khổ vất vả đã khiến mẹ của Nguyễn Sinh Cung là bà Hoàng Thị Loan qua đời khi còn rất trẻ. Em trai Nguyễn Sinh Nhuận cũng qua đời vì khát sữa mẹ...

Sự ra đi của mẹ, của em trai đã tác động lớn đến tâm lý và nỗi niềm day dứt, đau đớn của Văn Ba (Nguyễn Tất Thành) khi nhớ về thơ ấu.

Quyết định ra đi tìm đường cứu nước của chàng trai Nguyễn Tất Thành chịu tác động lớn lao từ những biến cố lịch sử. Ảnh: TL

Sau biến động ấy, Nguyễn Sinh Cung cùng cha là Nguyễn Sinh Sắc đi bộ từ Huế trở lại làng Chùa (Nam Đàn, Nghệ An). Cậu bé với những tổn thương, mất mát đã nhận được sự an ủi, vỗ về từ bà ngoại, chị Thanh...

Thơ ấu của Nguyễn Sinh Cung nhiều biến động với những cuộc chia ly và hành trình đi bộ dài dằng dặc. Trong ký ức về thơ ấu cũng giải thích vì sao anh mang tên Nguyễn Tất Thành, để sau đó, “Nợ nước non” tiếp tục ghi dấu những câu chuyện, biến cố tác động sâu sắc để chàng trai Nguyễn Tất Thành quyết định lên tàu, thực hiện chuyến đi viết lại lịch sử.

Chuyến đi thay đổi lịch sử của cả một dân tộc

Để đi đến quyết định lên tàu sang Pháp tìm đường cứu nước năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến, trải qua rất nhiều biến cố, để chàng trai đau đáu nỗi niềm dân tộc, nỗi thương nước, thương nhà.

Nguyễn Tất Thành lớn lên trong bầu không khí sôi sục của những cuộc cách mạng với nhiều thiên hướng cải cách của các bậc cha chú là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu... Giữa bối cảnh, đất nước những ngày tháng là thuộc địa chìm trong lầm than, đói khổ. Dân tộc bị bóc lột tận cùng. Những phong trào cách mạng sôi sục nổi dậy nhưng đều bất thành. Lịch sử dân tộc biến động chưa từng có...

Tất cả những biến động ấy đều tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành. Chàng thanh niên ưu tú ấy đã quyết định gác lại tất cả, lên đường sang Pháp tìm đường cứu nước. Hàng vạn câu hỏi đặt ra về cuộc cách mạng Pháp, về cách người Pháp thực hiện cái gọi là tự do, bình đẳng, bác ái như thế nào..., những câu hỏi thôi thúc Nguyễn Tất Thành lên đường.

Và ngày 5.6.1911 đã trở thành dấu mốc lịch sử của dân tộc khi chàng trai Văn Ba (Nguyễn Tất Thành) bước chân lên tàu Năm Sao xin làm phụ bếp. Vào khoảnh khắc ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã không biết được rằng, quyết định đó sẽ làm thay đổi lịch sử và vận mệnh của cả một dân tộc sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn