MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Cần thận trọng trước nguy cơ những "Vũ Nhôm mới".

"Nóng" tranh luận về xử lý 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ: Cẩn trọng trước nguy cơ những "Vũ Nhôm mới"

Hùng -Trung - Nguyên LDO | 27/10/2018 19:55
Việc xử lý 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ đã làm "nóng" nghị trường ngày 27.10, trong đó có đề nghị, có "bóc mẽ" và có cả nhận định những âm mưu. 

Đại biểu "bóc mẽ" đại biểu 

Là người khá thẳng thắn khi phát biểu trong nghị trường cũng như ngoài hành lang Quốc hội, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: “12 dự án nghìn tỷ thua lỗ đã có Ban chỉ đạo nhưng vẫn dậm chân tại chỗ”. Cụ thể, dự án gang thép Thái Nguyên đến giai đoạn 2 Thủ tướng chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo và doanh nghiệp quyết tâm cổ phần hóa để họ đầu tư giai đoạn 2. Thành phố Thái Nguyên có ý kiến nhưng Tổng công ty thép Việt Nam vẫn lững lờ. 

Theo quan điểm của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, tất cả dự án nào không thực hiện được tái cơ cấu phải cho phá sản, còn dự án nào cổ phần hóa được, thoái vốn được, bán được, cho thuê được thì đề nghị phải làm ngay, tránh tình trạng thất thoát.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, ĐB Hoàng Văn Hùng phản ánh: Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện cho 5.000 công nhân lao động Cty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước để công ty còn có cơ hội chủ động kêu gọi nhà đầu tư. Nếu tiếp tục kéo dài một thời gian nữa, có lẽ công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên không còn cơ hội để kiến nghị.

ĐB Hoàng Văn Hùng: Cty gang thép Thái Nguyên đang xử lý tốt, có lãi nhưng đề nghị thoái vốn nhà nước...

Vậy nhưng, ngay sau đó, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) “bóc mẽ”: “Nếu như đại biểu nói rằng cử tri phản ánh phải cổ phần hóa để nâng cao đời sống thì theo báo cáo hàng năm đều đang có lãi thì việc tái cơ cấu đang đi đúng hướng”.

Bởi vì, trước đó, trong phát biểu của mình, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, “trong những năm qua, Cty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, có lợi nhuận, lợi nhuận lũy kế đến nay là 155 tỷ, lãi năm 2016 là 207 tỷ, lãi năm 2017 là 109 tỷ, lãi năm 2018 dự kiến trên 100 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, Cty đã nộp ngân sách 1961,8 tỷ đồng, ổn định việc làm thu nhập cho 5.000 lao động và góp phần ổn định đời sống khoảng 20.000 người trong gia đình họ. Ngoài ra, công ty còn liên doanh hợp tác cung ứng dịch vụ với hơn 500 doanh nghiệp trong nước, với hơn 30.000 lao động”. 

ĐB Nguyễn Thanh Hồng: Cần cân nhắc đề nghị của ĐB Thái Nguyên về xử lý Cty gang thép Thái Nguyên.

Trên cơ sở phản biện này, ĐB Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, “nếu thoái vốn, rõ ràng cử tri cũng không thể tham gia mua cổ phần được vì không phải cổ phần ưu đãi. Tôi đề nghị cân nhắc việc này”. ĐB Hồng lưu ý Chính phủ cần “hết sức thận trọng” trước đề nghị của đoàn cử tri Thái Nguyên.

Ông Hồng cho rằng, không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng thoái vốn, cũng phải cổ phần hóa, vì doanh nghiệp nhà nước là công cụ để quản lý nhà nước, là nền tảng cốt lõi của nền kinh tế và việc thoái vốn của Cty cổ phần gang thép Thái Nguyên nằm trong lộ trình 12 dự án Chính phủ. 

Cẩn trọng trước các âm mưu về những "Vũ Nhôm mới"

ĐB Nguyễn Thanh Hồng nói thẳng: Trong thực tế, có những vấn đề các DN đang tạo ra sức ép đối với QH trong thực hiện chính sách và thực hiện quyết định của Chính phủ, điều kiện về kinh doanh về cấp phép, nên Chính phủ hết sức cân nhắc việc này. 

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng “xin báo cáo Quốc hội” là có hiện tượng DN cố tình không thoái vốn, không cổ phần, để đó để giảm bớt khấu hao bằng các khấu hao vô hình và hữu hình thì người ta sẽ mua rẻ lại các tài sản này của nhà nước. Chỉ nhà nước, doanh nghiệp và dân thiệt nên đề nghị phải xem xét lại.

Cũng theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, đang có hiện tượng cài cắm một số người cốt vào doanh nghiệp để thôn tính. Chỗ này có khả năng tạo ra một số kiểu "Vũ Nhôm" khác.

Phát biểu liên quan đến xử lý đối với 12 dự án lỗ nghìn tỉ này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn cho hay, đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án mà Chính phủ đã phê duyệt để khắc phục những tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả theo một lộ trình là trong năm 2018 và năm 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện và triệt để những vấn đề tồn tại để chấm dứt vào năm 2020. 

Bộ trưởng Bộ Công thương nói thẳng: “Không có chuyện tiếp tục trợ cấp hoặc cấp thêm vốn từ ngân sách nhà nước; Phải đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp”.

Theo Bộ trưởng, đến nay đối với 6 dự án mà lúc trước là các nhà máy phải dừng kinh doanh vì không có hiệu quả, nợ, đến nay trong số đó đã có 2 dự án và nhà máy bước đầu có hiệu quả tích cực nghĩa là không còn lỗ và đã có lãi. 4 dự án còn lại từng bước khôi phục hoạt động và đang có lãi, giảm lỗ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn